Trại phong Văn Môn được thành lập năm 1900, và năm 1913 được mở rộng thành trại phong khu vực, được mở rộng để tiếp nhận bệnh nhân phong ở các tỉnh phía bắc của Việt Nam. Từ ấy, trại phong này vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay.
         Những người bị đưa vào đây là ai? Họ là những bệnh nhân mắc căn bệnh “kinh ác” mà từng khiến mọi người khiếp sợ, được quy tụ về đây cũng như các trại phong khác để cách ly với xã hội, tránh lây lan. Hiện nay, tại Văn Môn, số lượng bệnh nhân còn lại là khoảng gần một trăm. Người thì mất tay, mất chân; người thì không còn môi miệng, không còn mắt; người thì còn đi lại được; người thì nằm liệt… Họ phải chịu nỗi đau không chỉ về thể xác và cả tinh thần vì bị đưa đi xa khỏi quê hương xứ sở, xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình, mà chẳng khi nào có thể trở về nơi ấy kể từ khi được đưa đi.
         Trước đây, bệnh phong là bệnh nan y, không chữa khỏi được, gây ra nhiều biến chứng. Hiện nay, căn bệnh này tuy vẫn được xếp vào nhóm có thể lây lan, nhưng cắt được lây lan, có thể chữa khỏi được, tránh tàn phế và ai bị mắc thì có thể điều trị tại gia đình nên con số bệnh nhân mới được đưa đến để sinh sống tại các trại phong nói chung và Văn Môn nói riêng là không còn nữa. Do đó, các bệnh nhân nơi đây có độ tuổi trên 60. Họ là những người già cả, nên nhu cầu được chia sẻ được tâm sự là rất lớn. Điều họ cần hơn cả là những món ăn, những món quà tinh thần, là tấm lòng yêu thương, đồng cảm hơn là cơm áo, gạo, tiền. 
   
          Các tu sĩ Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu hiện diện mục vụ tại đây từ những năm 2011. Kể từ thời điểm ấy, quý cha, quý thầy đã luôn hết lòng cộng tác, chăm lo mục vụ cho bà con giáo dân thuộc giáo xứ Thái Sa quanh khu vực trại phong này, nhất là việc chăm lo cho các bệnh nhân phong. Họ là những người Công giáo và các tôn giáo khác. Tuy nhiên, với tình yêu thương của những người huynh đệ Phan Sinh, của con một Cha trên trời, các tu sĩ, các thỉnh sinh, cũng các anh em dự tu của Dòng hiện diện nơi đây bằng nhiều hoạt động đã luôn đồng hành cùng các cụ ông, cụ bà mang trong mình con trực khuẩn phong Hansen đáng sợ ấy.
          Khi xưa Cha Thánh Phanxicô dường như đã nên một với những người phong cùi. Một hôm, đang khi đi ngựa gần một khúc quanh ở Assisi, Phanxicô bắt gặp môt người phong hủi. Phản ứng tự nhiên của Phanxicô là gò cương quay ngựa lại để chạy trốn. Nhưng rồi ngài gây áp lực với chính mình, ngài nhớ lại quyết định sống đời hoàn hảo và hiểu rằng ngài phải thắng được mình trước nếu muốn trở thành chiến sĩ của Đức Kitô. Ngài liền nhảy xuống ngựa, tiến lại gần và hôn người cùi (1 Cel 17; Đại Truyện 1,5). Rồi ngài bố thí cho người xấu số ấy trước khi tiếp tục đi. Bởi vậy, theo gương Cha Thánh Tổ phụ, trái tim anh em Phan Sinh chúng tôi luôn dạt dào tình yêu mến đối với các bệnh nhân phong ngay bên mình.
          Vào các dịp đặc biệt như Giáng Sinh, Năm Mới… các cha, các thầy có chương trình trao quà cho tất cả bệnh nhân nơi đây. Hàng tuần có chương trình phát bánh, phát cháo, sửa chữa đồ đạc trong phòng, động viên thăm hỏi các cụ. Tu viện các Thánh Tử đạo Việt Nam của Dòng nằm ngay sát trại phong. Bởi vậy, khi bất cứ khi nào có thời gian, các cha, các thầy lại tranh thủ tới với các cụ để chuyện trò, thậm chí chơi cờ tướng hay ngồi hát vui vẻ với các cụ. Nhiều cụ rất thích ca hát, hăng say thể hiện mỗi khi các cụ tìm đường nguồn cảm hứng.
          Chúng tôi đôi khi đến với các bệnh nhân, tay không mang quà, nhưng mang cả trái tim mình và hòa chung nhịp đập với các cụ ông, cụ bà trong tình yêu thương, hạnh phúc, bình an. Mỗi lần chúng tôi sang thăm hỏi, khuôn mặt các cụ dường như tươi sáng vui vẻ hẳn lên với niềm vui không thể diễn tả thành lời.
         Ước mong rằng sự hiện diện của chúng tôi - những người môn đệ Phan Sinh - tại đây, góp phần làm vơi đi nỗi đau thể xác, xua tan cảm giác cô đơn buồn tủi của các bệnh nhân, đặc biệt là làm sáng lên tinh thần Phan Sinh, làm rạng danh Thiên Chúa mỗi ngày một hơn.

                                                                                                                Vj Vu