Anh em thân mến!
          Tôi viết thư này để gửi đến anh em những lời chúc nồng ấm nhân dịp lễ kính trọng thể Cha Thánh Phanxicô Assisi của chúng ta. Tôi quyết định viết thư này cho anh em với một chút chần chừ vì cách đây vài tháng, khi cùng với các Anh Tổng Phục vụ khác, chúng tôi soạn thảo và gửi Bản Hướng dẫn cử hành 800 năm Gia Đình Phan Sinh; tôi đã dự định không viết những thư khác cho Hội Dòng, để không bị trùng lặp với nhiều đề xuất ​​liên quan đến những dịp kỉ niệm trên.
Tuy nhiên, với việc hướng tới Tổng Tu nghị thường niên sắp tới (tháng 6 năm 2025), tầm quan trọng của Năm Thánh Phan Sinh và việc khai mạc Năm Thánh Giáo Hội Hoàn Vũ 2025 sắp diễn ra, tôi nhận thấy không nên để các sự kiện đó tự lên tiếng (dù có liên quan đến đâu đi nữa). Thay vào đó, những sự kiện này đã thúc đẩy tôi gửi đến anh em một thông điệp xuất phát từ mong muốn chia sẻ một vài suy tư của mình.
          Anh em là tình yêu: quà tặng của Dấu Thánh (Stigmata)
          Tôi chắc rằng, tại các Tu viện và các nhà thờ của chúng ta đang nỗ lực chuẩn bị cho sự kiện kỉ niệm 800, biến cố Đức Kitô Chịu Đóng Đinh hiện ra với Thánh Phanxicô Assisi trong khi người đang cầu nguyện.
          Những vết thương in trên thân xác và linh hồn của ngài là những dấu chứng hữu hình cho nền linh đạo mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta hướng tới. Những vết thương đó, trước hết, nó là dấu chỉ của một đời sống trọn vẹn trong Chúa Kitô. Những vết thương là những dấu chỉ của Lòng thương xót và cuộc khổ nạn cứu chuộc của Ngài được khắc ghi nơi thân xác mỏng manh của Thánh Phanxicô và ngay cả trong tâm hồn đầy thương tích của thánh nhân.
          Từ việc kỉ niệm này, chúng ta được thúc đẩy để suy nghĩ về chính nguồn gốc ơn gọi của mình: nên giống Chúa Kitô chịu đóng đinh; “Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập giá” (1 Cor 2,2). Nó là một sự thúc đẩy để chúng ta trung thành hơn sống chiều kích cá nhân và cộng đoàn trong ơn gọi của mình để biết chấp nhận và hội nhập các giới hạn cá nhân cũng như của Hội Dòng (xem Hướng dẫn kỷ niệm 800 năm Stigmata).
          Tuy nhiên, Lễ Kỉ niệm này không chỉ là nhớ lại một biến cố tuyệt vời, mà là biết cách nắm bắt chiều kích thần học và thiêng liêng, biến mầu nhiệm cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu thành của chúng ta.
          Tất cả những điều này trở thành một liều thuốc giải độc hữu hiệu chống lại những tác động của môi trường văn hóa hiện nay, vốn cho rằng chúng ta đồng hóa chính mình với một hình ảnh sai lầm về con người: một kiểu mẫu không có tình yêu và đầy cái tôi của vị kỷ.
          Nhìn vào vị Thánh thành Assisi, chúng ta nhận ra con đường thiêng liêng đúng đắn, một nền linh đạo dẫn chúng ta bắt gặp cái nhìn của Thánh Phanxicô hướng về Đấng Tối Cao (chứ không phải chính ngài); nó dẫn chúng ta chiêm ngắm thân xác của ngài bị đâm thủng bởi tình yêu của Đấng bị đóng đinh (chứ không phải bởi những đam mê thế gian); nó dẫn chúng ta chiêm ngắm tâm hồn của thánh Phan-xi-cô, cũng bị tổn thương bởi tình yêu, đã được chữa lành và được thánh hóa nhờ tác động của Chúa Thánh Thần như thế nào.
          Với Thánh Phanxicô, lên La Verna nghĩa là tìm một khung cảnh tĩnh mịch và khắc khổ, để cầu nguyện và mở ra cho Chúa thấy tâm hồn bị tổn thương của ngài. Những vết thương bị gây ra bởi cuộc khủng hoảng từ sự phát triển của một huynh đệ đoàn sơ khai thành một “ Hội Dòng”. Thực vậy, bối cảnh cầu nguyện đó là nơi lý tưởng mà ở đó Thiên Chúa đáp ứng mọi mong đợi của Người Nghèo.  Sự hiện diện của Chúa không chỉ mang lại niềm an ủi mà còn là sự chuẩn nhận chắc chắn. Thiên Chúa tỏ mình ra một cách “đáng kinh ngạc”, xuyên thấu thể xác và tinh thần của ngài bằng tình yêu.
          Một cuộc gặp gỡ thần bí như vậy chỉ có thể thực hiện được nhờ việc không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa Tối Cao Tốt Lành, Đấng luôn ở trung tâm những ước muốn của Cha Thánh. Từ khi hoán cải, tức là lúc Người Đền Tội thành Assisi ngừng tôn thờ chính mình, đã không ngừng từ bỏ những thành công cá nhân, việc mục vụ, giáo hội, chính trị hoặc quân sự; ngài không còn cố gắng tự làm hài lòng bản thân nữa mà luôn nỗ lực làm cho trái tim và tâm trí của mình được hòa hợp với Thiên Chúa.
          Kiên định với mục tiêu này, Thánh Phanxicô thích xa lánh ánh mắt của thế gian, nương náu nơi Đấng là sự viên mãn của mọi sự, và là Đấng vượt thoát khỏi mọi con mắt thế gian. Tính xác thực về đời sống của Thánh Phanxicô được bày tỏ qua những gì ngài diễn tả trong Huấn Ngôn XIX: “Trước mặt Thiên Chúa, con người đáng giá thế nào thì thực chất là thế ấy, chứ không hơn”.
          Hướng tới Tổng Tu Nghị Thường Niên
          Anh em thân mến, Tổng Tu nghị đang đến gần,  chúng ta sẽ cử hành tại Roma cùng với lễ kỷ niệm 800 năm Dòng Phan Sinh và Năm Thánh của Giáo Hội. Năm 2025 cũng sẽ là dịp kỷ niệm 800 năm Bài Ca Các Tạo Vật, và tiếp theo là Lễ Phục sinh của Thánh Phanxicô (2026). Bối cảnh kỷ niệm này nhắc chúng ta về viễn tượng thiêng liêng mà chúng ta muốn mở rộng. Mặt khác, thời gian Tu Nghị giúp chúng ta xem xét và xác thực nền tảng linh đạo chúng ta sống trong các cộng đoàn và trong chính Hội Dòng. Để từ việc xem xét “các nguyên tắc hướng dẫn”  chúng ta sẽ đánh giá “công việc đang được triển khai”.
          Vì thế, anh em thân mến! Trong thời gian chuẩn bị cho Tổng Tu nghị này, tôi mời gọi anh em cùng nhau dừng lại, để xác định mức độ sự thật và sự chân thành mà chúng ta đang kinh nghiệm trong bối cảnh đời sống của mình.
          Những thách đố về đời sống chứng tá: tinh thần của buổi sơ khai và sự đáp trả về đặc sủng hiện nay
          Trong những tháng gần đây, tôi đã được vinh dự cử hành lễ kỷ niệm 800 năm việc các anh em tiên khởi được chính Thánh Phanxicô sai đến một số thành phố ở Châu Âu. Những cử hành đó không chỉ khiến tôi tràn ngập niềm vui, mà hơn hết còn khiến tôi cảm nhận được sự tươi mới đầy hấp dẫn của thuở ban đầu. Thật vậy, đời sống thủa ban đầu được xây dưng trên nền tảng là tinh thần của Phúc Âm và gương sống của vị Hiền Phụ Sốt Mến.
          Tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta đều vui mừng vì được trở thành người tu sĩ Phan Sinh Viện Tu; chúng ta nhận ra chính mình là phần tử của đời sống này. Nhưng long trung thành và niềm vui của ơn gọi truyền giáo không phải là điều gì đó máy móc hay hiển nhiên. Lòng trung thành đích thật phải được gìn giữ, nuôi dưỡng, tìm kiếm, bảo vệ và thậm chí “chịu đau khổ” trong cuộc đấu tranh với chính mình và với môi trường văn hóa hướng tới tự mãn.
          Quay trở lại năm 2018, chúng ta đã kết thúc một quá trình dài trong việc sửa đổi Hiến Chương. Nó là văn bản pháp chế chính yếu, như một cách giải thích xác thực về Luật Dòng; là những khuông nhạc, là “bản nhạc” giúp chúng ta phân định những giai điệu thích hợp cho đời sống của Dòng trong thời đại chúng ta; là những hướng dẫn xác định chúng ta là ai. Anh em nên nhớ rằng mục đích của việc canh tân Hiến Chương không gì khác hơn là khôi phục đời sống đoàn sủng của Dòng. Hiến Chương điều chỉnh và gợi hứng cho đời sống của cộng đoàn. Nếu tất cả chúng ta cùng nỗ lực “thực hiện” những gì được viết ra trong bản nhạc này, mỗi người học lấy phần của mình để giúp đưa chúng ta đến gần hơn với lối sống Viện Tu thì sẽ hiệu quả biết bao! Chỉ cẩn một chút nỗ lực để tạo ra sự cải thiện đáng kể, nhưng tiếc là không phải lúc nào chúng ta cũng có thể làm được như vậy.
          Các cộng đoàn được nuôi dưỡng theo tinh thần của Hiến Chương thì sẽ nhận thấy rằng nơi ấy đặc sủng được tỏa sáng. Do đó, những cộng đoàn ấy là nơi mọi thành viên bước đi trên con đường chắc chắn để gặp gỡ Thiên Chúa và giới thiệu Ngài cho thế giới qua chứng tá Phan Sinh.
          Chúng ta không thể bỏ qua lời mời gọi cử hành cầu nguyện chung, thường xuyên tổ chức các Tu nghị Cộng đoàn, có đời sống thiêng liêng sâu sắc, dành thời gian để cùng nhau phân định, lượng giá tư cách môn đệ của mình, thực hành sửa lỗi huynh đệ và đưa ra những ý tưởng mới cho sứ mạng của chúng ta.
          Tuy nhiên, theo Chúa vẫn là ưu tiên hàng đầu. Nếu chúng ta còn có những ưu tiên khác, thì hẳn có điều gì đó không ổn, và lòng trung thành của chúng ta với đặc sủng đang bị bóp méo. Nếu đời sống và cộng đoàn chúng ta theo đuổi những hoàn cảnh “khác” - dù dưới hình thức chủ nghĩa khoái lạc cá nhân hay mục vụ - thì sẽ dẫn đến những kết quả “khác”, đời sống của chúng ta sẽ “khác” và chúng ta sẽ có nguy cơ rơi vào tình trạng vô nghĩa (non-senso) hoặc thế tục thiêng liêng (Đức Giáo hoàng Phanxicô).
          Nếu chúng ta đánh mất phẩm chất đời sống truyền giáo Viện Tu, thì đó sẽ là sự tự sát về mặt tinh thần đối với Hội Dòng. Nếu không chăm sóc những gì thiết yếu hoặc cần thiết cho đời sống của mình, nếu không nâng cao đời sống Viện Tu, thì chúng ta sẽ gây nguy hiểm không chỉ cho hiện tại mà còn cho cả tương lai của Hội Dòng.
          Thưa anh em, trước tiên chúng ta phải tìm lại việc cầu nguyện, thinh lặng, nội tâm hóa Lời Chúa, chiêm niệm, phân định cộng đoàn, kiến thức về phẩm chất và nguyên tắc đặc sủng của mình.
          Sống cuộc sống chúng ta theo đúng những gì đã đoan hứa sẽ mang lại niềm vui cho chúng ta và thế giới, nên như dấu chỉ đáng tin cậy về đời sống Kitô hữu và đời sống Phan sinh.
          Nhìn lên: con đường đổi mới
          Trong buổi tiếp kiến ​​chung ngày 23 tháng 8 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với chúng ta rằng: “Kitô giáo không bước đi với cái nhìn xuống dưới” như một số loài động vật chỉ biết tìm kiếm thức ăn trên mặt đất, “mà không biết ngước mắt về phía chân trời. Như thể toàn bộ hành trình của chúng ta đã bị dập tắt trong khoảng cách vài mét".
          Kỉ niệm 800 Phan Sinh là cơ hội thuận tiện để chúng ta nhìn lên Đức Cậy Kitô giáo và sự hướng dẫn của Tin Mừng, một điều luôn hiện sinh và mới mẻ.
          Trong dịp lễ Thánh Phanxicô năm nay, để chuẩn bị cử hành Tổng Tu nghị thường niên, tôi muốn đề nghị Hội Dòng thực hiện một cuộc canh tân sâu sắc, như một cuộc cải tổ nội bộ, một cuộc cải cách không quá cứng nhắc hay lặng lẽ không khoan nhượng, nhưng hướng tới một tình yêu sáng tạo, dành chỗ cho sự mới mẻ của Thánh Thần và không khép mình trước những thách đố do nền văn hóa của thời đại chúng ta đặt ra.
          Vì vậy, anh em thân mến: chúng ta có Nhạc Trưởng, chúng ta có bản nhạc, chúng ta có nhạc cụ (phải được thường xuyên chỉnh tone, lên dây), chúng ta biết giai điệu: hãy để nó vang vọng trong tâm hồn mỗi người, dưới sự hướng dẫn của Đấng hiệp nhất mọi người nên một trong sự hòa hợp trọn hảo, hầu mang lại hoa trái cho đời hoán cải của chúng ta.
          Xin phước lành của Cha Thánh Phanxicô luôn ở trên mỗi anh em.
          Xin Chúa ban bình an cho anh em!
                                                          Tu sĩ Carlos A. Trovarelli

                                                                   Tổng Phục Vụ