Thánh Phanxicô ít dùng từ “phục vụ” (service) (9 lần) – từ mà ngài thích dùng hơn, là từ “người phục vụ” , “người tôi tớ” (serviteur) (59 lần trong các di cảo) – vì đối với ngài, khái niệm “phục vụ” nói lên một cách thế sống, một lối xư xử. Vậy khi dùng đầu đề: "Phanxicô phục vụ các anh em ngài", tác giả muốn hiểu: “Phanxicô, người phục vụ của anh em” hoặc “người phục vụ các anh em”. Đây là đề tài suy nghĩ của chúng ta.
I. PHỤC VỤ : MỘT ĐÒI HỎI PHÁT XUẤT TỪ ĐỨC TIN
Người nào “dưới tác động của Chúa” đến với chúng ta, là một quà tặng Thiên Chúa ban cho chúng ta, là máng xối qua đó ân sủng đi vào trong huynh đệ đoàn. Người này là người anh em của chúng ta do được Thiên Chúa gọi. “Khi Chúa ban cho tôi các anh em… “ (Chúc thư).
Trước khi là một cộng đoàn – một cộng thể nhân loại, huynh đệ đoàn phan sinh được sinh bởi Chúa và lấy Người làm tâm điểm – nó qui chiếu về Chúa như nguồn mạch và hướng về Người như cùng đích . Mỗi thành viên của huynh đệ đoàn được mời gọi phục vụ Thiên Chúa bằng việc phục vụ các anh em mình.
1. Tôi tớ của Thiên Chúa và tôi tớ của con người
Phanxicô viết cho các anh em ngài : “Tôi là Phanxicô, xin gởi lời chào anh em… “. Đây là điều dựa vào đó tôi sẽ nhận ra anh yêu mến Thiên Chúa và anh yêu mến tôi, người tôi tớ của Người và của anh…”. Phanxicô chỉ đơn giản muốn là một người tôi tớ trước mặt các anh em ngài”.
Người tôi tớ Chúa là kẻ được mời gọi cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Đức Giêsu, là người Tôi tớ trọn hảo. – Sứ mạng của Người là thực hiện ý muốn của Chúa Cha, và đó là lẽ sống của Người (x. Ga 4,34) – Đây là điều duy nhất Người tìm kiếm (x. Ga 5,30) – bởi vì “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu” (1Tm 2,4). Đức Giêsu không muốn gì khác là thực hiện ý muốn cứu độ này. Đây là điều làm đẹp lòng “Đấng sai gởi Người”(x. Ga 8,29).
Con người được tạo nên để phục vụ Thiên Chúa – lại đã sa ngã phạm tội. Chỉ có Đức Kitô mới có đủ tư cách giải thoát con người khỏi sự nô lệ này, để mang lại cho con người phẩm giá làm con và tôi tớ của Thiên Chúa – Để hoàn thành sứ mạng cứu thế, trong hiệp thông với ý muốn của Chúa Cha, Người đã chấp nhận mang lấy thân phận nô lệ (x. Ph 2,7), một thân xác giống thân xác của tội lỗi (x. Rm 8,3) và vâng lời cho đến chết (x. Ph 2,8) – Người đã tự nguyện làm người tôi tớ, không chỉ của Thiên Chúa mà của cả những con người mà Người đã chuộc lại – là chủ và là Chúa, Người đã ở giữa các môn đệ như “kẻ hầu hạ”(Lc 22,27), Người rửa chân cho anh em (x. Ga 13) –
Từ nay, những ai theo Đức Kitô cũng phải đi ngang qua con đường cứu độ này : họ phục vụ Thiên Chúa bằng cách phục vụ anh em. Khi chấp nhận chương trình cứu độ của Thiên Chúa (“Xin ý Người được thực hiện”), Đức Ma-ria cũng trở thành “Nữ tì khiêm tốn của Thiên Chúa” và đồng thời là Mẹ và Nữ tì của toàn thể nhân loại.
2. Hạnh phúc thay Tôi tớ….
Hạnh phúc to lớn nhất – đối với Phanxicô – là phục vụ Thiên Chúa, bằng cách hoàn tất ý của Người. “Hạnh phúc thay tôi tớ Chúa…”. Ngài thường nói thế trong các huấn ngôn Người gởi cho anh em. Thực ra, đối với con người, còn hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc biết rằng mình được yêu và có khả năng yêu ? – Vào lúc khởi đầu đời sống đền tội, khi trút bỏ mọi sự, Phanxicô đã lớn tiếng : “Từ nay tôi sẽ có thể hoàn toàn tự do nói : Cha chúng con ở trên trời” (2 Cel 12). Phanxicô đã cảm thấy hạnh phúc – Từ khi ngài phó mình cho sự quan phòng của Chúa, tâm hồn ngài không còn tìm kiếm gì khác ngoài ý muốn của Người – Ngày nọ, ngài nói với bạn ngài :” Điều êm dịu nhất, dễ chịu nhất đối với tôi là xin Chúa thực hiện ý Người nơi tôi. Ý của tôi luôn bất khả phân ly với ý của Người” (1 Cel 107) – trong lời nguyện, ngài xin Chúa Cha – cho ngài và cho các anh em ngài – ơn được hoàn toàn phục vụ Chúa và con người :
“Nguyện xin ý Người được thực hiện ở dưới đất cũng như ở trên trời:Ước gì chúng con yêu mến Người: hết lòng bằng cách luôn nghĩ đến Người ; hết tâm hồn khi luôn ao ước Người; hết trí khôn khi hướng về Người tất cả nhiệt tình của chúng con và chỉ luôn theo đuổi vinh quang của Người mà thôi; hết cả sức lực khi luôn sử dụng các năng lực của chúng con, tất cả các cơ quan của tâm hồn và thể xác chúng con ddr phục vụ tình yêu Người và không gì khác hơn.
Nguyện cho chúng con yêu mến người lân cận như yêu chính chúng con : bằng cách kéo tất cả họ đến với tình yêu Người tuỳ theo sức của chúng con, khi chia sẻ hạnh phúc – niềm vui của họ như thể đó chính là hạnh phúc , niềm vui của chúng con, khi giúp họ nhận những khổ đau, khi không làm điều gì xúc phạm họ” (Kinh Lạy Cha quảng diễn).
Tôi tớ của Thiên Chúa – và tôi tớ của con người : đây là hai khía cạnh của cùng một sứ mạng. Chúng mật thiết liên kết với nhau. Đối với Phanxicô, những người mà chúng ta phục vụ, “các người lân cận của chúng ta”, là những người mà Thiên Chúa đặt trên con đường đời của chúng ta, và đặc biệt những anh em hoặc chị em chia sẻ với chúng ta cùng một lối sống. Điều này tỏ lộ trong các Huấn ngôn của ngài : “Hạnh phúc thay Tôi tớ Chúa không phán đoán các anh em mình” (HN 11), nhưng trái lại tỏ ra “kiên nhẫn và khiêm nhường” đối với anh em (HN 13,17; 30; 24), “hiền hoà và kín đáo” (HN 15; 22; 28), “trung tín và cẩn trọng” (HN 24), “luôn sẵn sàng đón nhận sự sửa phạt” (HN 24). Phanxicô nói về đời sống huynh đệ : trong huynh đệ đoàn, chúng ta là những tôi tớ của nhau.
3. Phòng hội ngày thứ Năm Tuần Thánh (Cénacle du Jeudi Saint)
Phanxicô muốn các anh em của ngài được gọi là “Anh em hèn mọn” và các Bề trên của Dòng là “Phục vụ” : để lưu hành các từ của Tin Mừng mà ngài hứa tuân giữ (x. LM 6,6) – Thực vậy, Tin Mừng nói: “Càng muốn làm lớn thì càng phải làm nhỏ” (mineur : hèn mọn) (x. Lc 22,26) ; từ đó có tên gọi “Anh em hèn mọn”; và “kể nào muốn làm lớn thì sẽ là người phục vụ và tôi tớ kẻ khác”(x. Mt 20,25); từ đó có danh từ: Phục vụ và Tôi tớ: dành cho các bề trên. Phanxicô trích dẫn các đoạn này trong LKsd 4 và 5.
Phanxicô nhắc cho anh em các Lời của Chúa. Nhưng ngài còn mời gọi họ chiêm niệm và bắt chước gương khiêm tốn và tình huynh đệ mà chính Đức Kitô đã để lại trong bữa tiệc cuối cùng với các môn đệ. Theo gương Đức Kitô hạ mình xuống để rửa chân các môn đệ,- các anh em phải rửa chân cho nhau (LKsd 6). Rửa chân cho kẻ khác là công việc dành cho tôi tớ.
Theo gương Đức Kitô, Đấng ở trong cùng bữa ăn, đã muốn tỏ bày tình yêu của mình cho các môn đệ bằng cách chia sẻ với họ bánh huynh đệ, - các anh em cũng phải thương yêu nhau bằng một tình yêu nhưng không và khiêm tốn – Phanxicô bắt đầu lá thư gởi cho các anh Phục vụ như sau : “Tôi là Phanxicô, người anh em thấp hèn và tôi tớ của anh em trong Thiên Chúa, xin kính chào các anh nhân danh các dấu mới lạ trên trời dưới đất “ (TcPv ), nghĩa là nhân danh Đức Giêsu Thánh Thể. Như Đức Kitô, “Chúa Tể càn khôn, Con Thiên Chúa, Đấng đồng hàng với Thiên Chúa, hạ mình xuống đến ẩn náu dưới hình bánh nhỏ mọn để cứu độ chúng ta” (TTD 27), chúng ta cũng phải hạ mình xuống trước mặt các anh em và không giữ lại cho mình bất cứ điều gì” (28).
Bữa ăn ngày thứ Năm Tuần thánh, được đánh dấu bằng việc rửa chân và bẻ bánh, để lại một ấn tượng ảnh hưởng mạnh lên tâm hồn Phanxicô, một sức mạnh gương mẫu. Thiên Chúa đã hạ mình xuống trên chúng ta một cách sâu đậm – Vị Thầy đi phục vụ – Phanxicô chiêm ngắm Vị Thầy-Tôi-tớ và tìm cách trở nên giống Người trong mọi sự. Trước khi chết, ngài đã muốn cùng với anh em ngài tưởng nhớ lại bữa ăn cuối cùng của Chúa bằng cách đọc lại với họ đoạn 13 của Gioan (x. 2Cel 217).
Phục vụ như Đức Kitô đã phục vụ. Đây là chương trình sống của tất cả các anh em và đặc biệt của những ai mà Chúa đã tin cậy trao cho chức vụ Bề trên.
“Không ai được mang danh là Bề trên, nhưng tất cả hãy cùng nhau mang danh là Anh em hèn mọn - và anh em hãy rửa chân cho nhau” (x. Ga 13,14) (LKsd 6,3). “Đừng ai trong anh em cho mình là người có quyền hay là người thống trị trên kẻ khác, nhất là giữa anh em với nhau, vì Chúa đã nói trong Tin Mừng: “Thủ lãnh các nước thì cai trị dân như những bạo chuá, những người làm lớn thì lấy quyền mà áp chế dân”(Mt 20,25), còn giữa anh em thì không như vậy được” (x. Mt 20,26a) và ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ “(x. Mt 20,26b) và đầy tớ anh em. Và ai lớn nhất trong anh em thì phải nên như người nhỏ nhất” (x. Lc 22,26) (LKsd 5,9-12).
“Các anh phục vụ và tôi tớ của các anh em khác”
(L 10,1)
“Các anh phục vụ và tôi tớ hãy nhớ lại Lời Chúa nói: “Thầy đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ” (Mt 20,28) (LKsd 4).
Đức Kitô, Chúa và Thầy của chúng ta, đã để lại cho chúng ta một gương mẫu. Ngài đã hoàn tất ý của Chúa Cha bằng việc chấp nhận thân phận tôi tớ của Chúa và của con người. Hãy nhìn Đức Kitô và như Người, hãy đứng trước Thiên Chúa để phục vụ.
II. SỰ TỪ BỎ QUYỀN SỞ HỮU ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ PHỤC VỤ
Để có thể theo Đức Kitô trên con đường yêu thương, môn đệ phải thoát khỏi mọi trở ngại ngăn cản mình sống một cuộc đời kết hiệp với Thiên Chúa. Người ấy phải tách mình khỏi các của cải đời này, nhất là khỏi mọi hình thức ích kỷ và hằng ngày phải tìm vinh dự nơi Thánh Giá Chúa (x. HN 5).
1. Phúc thay người trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Người.
Mọi sự là quà tặng, ân huệ của Thiên Chúa. Phanxicô xác tín điều này. Mọi cái gì tích cực, Phanxicô đều qui về cho Thiên Chúa (là tác giả). “Mọi điều thiện hảo đều thuộc về Thiên Chúa” (HN 7) – “Mọi lời nói và việc làm tốt lành đều xuất phát từ Thiên Chúa” (HN 8).
“Trước mặt Thiên Chúa, con người như thế nào, thì thực chất là thế ấy, chẳng có gì hơn”(HN 19). Khi chúng ta nhìn bản thân dưới ánh sáng của Thiên Chúa, dưới cái nhìn của Người, chúng ta ý thức các giới hạn và các yếu đuối của chúng ta và đồng thời ý thức sức mạnh của lòng nhân từ của Chúa. Phanxicô khuyên các anh em : “Chúng ta hãy xác tín rằng chúng ta chẳng có gì khác ngoại trừ nết xấu và tội lỗi(…), chúng ta hãy dâng trả mọi sự tốt lành về cho Chúa là Thiên Chúa tối cao và chí tôn. Chúng ta hãy biết rằng mọi sự tốt lành là của Chúa và hãy tạ ơn Người về tất cả mọi sự. Người là nguồn mạch mọi sự tốt lành” (LKsd 17,7.17). Vì thế, Cha thánh nói thêm: “Đừng một anh phục vụ hay một anh giảng thuyết nào chiếm làm sở hữu riêng công việc phục vụ anh em hay trách nhiệm giảng dạy, bất cứ lúc nào được lênh, anh em hãy từ bỏ chức vụ mình không chút phản kháng”(LKsd 17,4).
Chức vụ phục vụ và tôi tớ các anh em là một quà tặng của Thiên Chúa, một điều thiện hảo thuộc về Người mà thôi. Không ai có thể đòi hỏi hoặc sở hữu nó.
Kẻ nào chiếm hữu chức vụ phục vụ thì như Giuđa chiếm hữu cho mình kho tàng gian lận : “Không phải để được hầu hạ mà Tôi đến – Chúa đã nói,- song để hầu hạ” (Mt 20,28). Những người được đặt ở địa vị cao hơn kẻ khác hãy lấy làm vinh dự về chức vụ bề trên này chẳng khác gì khi được cử ra làm công tác rửa chân cho anh em. Còn lúc bị cất chức quyền mà buồn bực hơn lúc được miễn công tác rửa chân, thì càng buồn bực, họ càng giống như kẻ giữ túi tiền gây nguy hại cho linh hồn”(x. Ga 12,6) (HN 4-..HN 19). Lòng ham muốn đưa chúng ta đến sa ngã. Sự từ bỏ sở hữu, ngược lại, sẽ đem cho chúng ta hạnh phúc : “Phúc thay người không giữ lại cho mình điều gì, nhưng “của Xê-da, trả về cho Xê-da; của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa”(Mt 22,21)(HN 11).
2. Con đường tự do
Sự tự do đích thực bên trong, phát sinh từ một đối thoại liên tục với Chúa Thánh Thần trong chúng ta, biến sự phục vụ của chúng ta thành một của lễ tình yêu. Ngoài sự từ chối sở hữu, nó còn đòi một sự sẵn sàng hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Chúng ta thực sự tự do khi cái nhìn của chúng ta trong suốt và lòng chúng ta thanh sạch. Tôi tớ của Chúa thì tự do, vì người ấy không tự tìm kiếm chính mình mà chỉ tìm làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng cách điều chỉnh ý riêng mình theo ý của Chúa. Phanxicô là người chủ xướng thứ tự do này “cho ngài và cho những người khác” (1Cel 55). Ngài khuyến khích các anh em ngài tránh mọi khuynh hướng ích kỷ và nhìn đời sống họ và đời sống anh em của họ (en fonction de) theo Thiên Chúa. Phục vụ, đó là điều tốt cho kẻ khác ; đó là tìm chương trình Thiên Chúa dành cho người đó. Điều này khó. Sự biện biệt là một ơn của Chúa Thánh Linh. Thường thì người phục vụ anh em không tìm gặp một sự chắc chắn nào khác ngoài lòng nhân từ của Chúa. Để trả lời cho anh Lê-ô ao ước xin ngài 1 lời khuyên, Phanxicô viết : “…Nếu con thấy có cách nào tốt hơn để làm đẹp lòng Thiên Chúa và noi theo gương nghèo khó của Người, thì con cứ làm với phúc lành của Thiên Chúa và sự thuận ý của Cha. Còn nếu tâm hồn con thấy cần hay muốn được an ủi, và nếu con muốn đến gặp Cha, thì Lê-ô ơi, con cứ đến”(T Lêô 3-4). Phanxicô không đem lại một giải pháp nào cho những vấn đề cụ thể, nhưng ngài để người anh em ngài trên con đường của sự tự do là con đường giả thiết sự biện biệt và cầu nguyện. Nói : “Hãy chỉ làm những gì làm đẹp lòng Chúa” – và nói “Hãy là một tôi tớ tốt” , - cả hai lối nói đều như nhau. Lời khuyên này xem ra đơn giản nhưng thiết yếu (essentiel) và đòi hỏi cực kỳ. Người anh em và người phục vụ và tôi tớ của anh ta phải chăm chú lắng nghe tiếng Chúa và không tìm kíêm gì khác ngoài ý muốn chương trình của Người. Nhưng chỉ có người nghèo mới nhận biết con đường của sự tự do.
III. CÁC THÁI ĐỘ CỦA TÔI TỚ
Nhiều người đến tìm Phanxicô. Đối với họ, thánh nhân như một máng xối tràn đầy ân sủng (x.1 Cel 37). Ngài trở nên mọi sự cho mọi người, không phân biệt ai. Là Cha của cả gia đình, ngài luôn ở tư thế sẵn sàng phục vụ các anh em. Ngài khiêm nhường ngần nào; ngài là sự dịu hiền và biết thích ứng một cách hữu ích với những người có tính tình khác biệt nhau. Ngài, một vị thánh, xem ra – ở giữa các người tội lỗi – trở thành như một người trong họ” (1 Cel 33). Ngài yêu họ bằng một tình yêu khiêm tốn và vâng phục, kín đáo và nhưng không, đầy tình mẫu tử và chu đáo.
1. Tuân phục và dịu hiền.
Ở nơi Phanxicô , các từ “vâng lời” và “tình yêu” liên kết mật thiết với nhau đến độ người ta có thể hoán chuyển chúng với nhau. Phanxicô gọi sự vâng lời là Em của bác ái và khuyên anh em hãy có một “obedientia caritativa” đối với nhau. Sự vâng lời chân thật phải phát sinh từ tình yêu, sự vâng lời của bác ái, thứ vâng lời đẹp lòng Chúa (x..HN 3). Vâng lời (obéir) trước tiên là nghe (être à lécoute) (ob-sudire). Người tôi tớ vâng lời : “anh ta nghe, anh ta để ý đến các lời nói và ước muốn của chủ mình.
Bắt chước Đức Kitô là Đấng, để yêu mến, đã nhận lấy thân phận tôi tớ và vâng lời cho đến chết (x. Pl 2,6-11).
Phanxicô phục vụ các anh em ngài trong một tinh thần yêu thương tuân phục. Ngài luôn lắng nghe. Ngài tỏ ra quan tâm cách đặc biệt các vấn đề và những khổ đau của các anh em ngài. Ngài chăm sóc họ tận tình. Nếu ngài không giúp được cách cụ thể các anh em đau yếu, ngài luôn tìm cách ở gần bên họ và bằng những lời nói dỗ dành (apaisante), ngài khuyến khích họ chấp nhận các thiếu thốn. "Ngài chia sẻ tất cả các khổ sở của họ vào các ngày ăn chay, để các anh em đau yếu khỏi mắc cỡ, ngài cùng ăn và ngài không hổ thẹn đi ra phố, ra chợ xin thịt về cho họ" (2Cel 175). Ngài còn bày tỏ một sự dịu hiền và kiên nhẫn còn to lớn hơn đối với những anh em bị giao động bởi những cơn cám dỗ và thất vọng (x. 2Cel 177). Đối với tất cả mọi anh em, Phanxicô là “người mẹ rất thân thương” (2Cel 137). Chính ngài nói với chúng ta điều này trong thư gởi cho anh Lê-ô: “Con của cha, cha nói với con như một người mẹ nói với con mình” (T Lêô 8).
Phanxicô muốn tất cả anh em vâng lời nhau (x. LKsd 5), tỏ ra là anh em một nhà, chú ý đến các nhu cầu của mỗi một người, vì ngài nói : “Nếu một người mẹ nuôi dưỡng và yêu thương đứa con huyết nhục của mình (x. 1Tx 2,7), thì mọi người lại phải yêu thương và nuôi dưỡng anh em thiêng liêng mình ân cần hơn là dường nào ?” (L 6,7.8).
Nếu sự tuân phục yêu thương (obeissance damour) liên can đến tất cả các anh em, nó càng phải là thái độ của các anh phục vụ và tôi tớ các anh em ngần nào. Khi các anh em này đến tìm họ vì những lý do thiêng liêng, “các anh phục vụ hãy tíếp đón họ cách nhân hậu và dịu dàng, hãy tỏ ra thân mật với họ, sao cho họ có thể nói năng và cư xử với anh như chủ đối với tôi tớ vậy; quả thật phải như thế vì anh Phục vụ là tôi tớ của toàn thể anh em” (L 6,5-6). Vị Thầy phục vụ – Bề trên lắng nghe. Đây là nghịch lý của Tin Mừng và là gia sản của các anh em hèn mọn.
2. Phục vụ ơn cứu độ
Người phục vụ và tôi tớ các anh em có những trách nhiệm phải chu toàn. Anh có thể can thiệp vào trong đời sống riêng của các anh em, chẳng hạn chỉ định cho họ một nơi ở, cho phép họ rao giảng (x. LKsd 4; 16; L 12). Nhưng vai trò của anh em thuộc phạm vi thiêng liêng hơn là phạm vi hành chánh. Anh phải gặp mỗi anh em, cho họ những ý kiến thiêng liêng, khuyến khích họ bằng lời nói và gương sáng, khiển trách và sửa dạy “với lòng khiêm nhường và bác ái”, nói tắt một lời: trước tiên tìm kiếm sự cứu rỗi linh hồn người anh em mình (L 7.10). Cũng như Đức Giêsu tự nguyện làm người tôi tớ để cứu chúng ta, các anh Phục vụ và tôi tớ nhớ rằng linh hồn các anh em của họ được trao phó cho họ: nếu một người trong họ hư mất vì lỗi của họ và gương xấu của họ, họ phải trả lẽ vào ngày chung thẩm với Chúa Giêsu Kitô” (LKsd 4). Và Phanxicô thêm : “Vậy hãy gìn giữ linh hồn mình và linh hồn các anh em thuộc quyền mình” (LKsd 5,1). Các dòng chữ cảm động sau đây minh chứng cho chúng ta thấy Người Cha để tâm đến sự cứu rỗi của các người con là ngần nào: “Có người bề trên nào đã lo lắng cho bề dưới của mình bằng Phanxicô không? Hai bàn tay giơ cao lên trời, ngài cầu nguyện cho những người Israel đích thực của ngài; và quên mình đi để chỉ trước tiên và trước hết mọi sự lo lắng cho phần rỗi của anh em ngài. Ngài phủ phục dưới chân Đấng Tối Cao, hiến thân ngài làm hy tế và Thiên Chúa đã không thể từ chối ban ơn cho ngài. Ngài đã chăm sóc với một lòng thương yêu và lo lắng cho đoàn chiên bé nhỏ mà ngài dẫn dắt: sau khi đã từ bỏ trái đất, không được để chúng mất Trời. Ngài xác tín rằng ngài chỉ được nhận vào Vinh quang nếu ngài cùng lúc đem vào Vinh quang đó những kẻ đã được uỷ thác cho ngài; trong công việc “sinh con cái” này, tinh thần ngài cảm thấy đau đớn vì họ nhiều hơn lòng dạ của các bà mẹ khi xưa đã đớn đau vì họ” (2Cel 174). Sau này, Phanxicô nói cách cứng rắn (lapidaire): “Bổn phận, trách vụ của Bề trên đối với các anh em thì thuộc lãnh vực thiêng liêng” (LP 76).
3. Tình yêu xua đuổi sợ hãi.
Trong đời sống chung, không thiếu những niềm vui và an ủi. Điều này được Phanxicô chứng thực: Vui khi thấy số anh em liên tục gia tăng, vui khi biết anh em tiến triển trên con đường trọn lành. Phanxicô chúc tụng Thiên Chúa về các sự ấy: “Lạy Chúa là Đấng thánh hoá và hướng dẫn các kẻ nghèo hèn, con cảm tạ Chúa về niềm vui mà Chúa đem đến cho con, liên can đến các tin tốt lành của các anh em con. Xin hãy tuôn tràn trên họ những chúc lành hào phóng và luôn thánh hoá hơn nữa những ai có gương sống tốt lành, gương sống làm cho đời sống tu của họ được toả sáng như thế (2Cel 178).
Cũng có những lúc đen tối. Không phải tất cả anh em đều theo, và nhất là không phải luôn luôn theo con đường của Chúa. Đôi người thoát khỏi vòng vâng lời (x. LKsd 5), nhiều người gây gương mù gương xấu, người khác lại ngược đãi các anh Phục vụ của họ (x. TPv). Làm cách nào để họ nếm cảm lại vị ngọt của ơn gọi và không còn theo các khuynh hướng ích kỷ, nhưng nghe theo Chúa ? Trách nhiệm thì lớn. Đôi khi nó trở nên nặng nề. Chính Phanxicô có kinh nghiệm về điều này. Ngày nọ, cảnh tượng các gương xấu làm ngài chao đao; ngập tràn lo lắng, ngài tìm ẩn trú trong sự cầu nguyện – Lúc đó, Chúa quở trách ngài: “Tại sao lại bối rối – lo lắng như thế, hỡi người bé nhỏ? Có phải Ta đã đặt ngươi làm người dẫn dắt Hội dòng của Ta để ngươi quên rằng chính Ta mới là người bảo trợ chính? Nếu Ta đã chọn ngươi, một con người mộc mạc, chính là để nêu gương cho tất cả những ai muốn đi theo người về các hành động mà họ cũng có thể thực hiện. Chính Ta sẽ bảo vệ và ban lương thực; để thay thế những người đã khuất, Ta sẽ gọi những người khác; khi cần Ta sẽ “sinh” thêm. Vậy ngươi đừng có lo lắng băn khoăn. Hãy phấn đấu để tự cứu ngươi !” (2Cel 158; 2P 86-87). Hãy tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện và hãy để cho ánh sáng của Đức Kitô đánh tan những bóng tối trong chúng ta. Chính trong sự cầu nguyện mà chúng ta tìm lại được lòng cậy trông.
Khi chúng ta tin Thiên Chúa, chúng ta cũng có “quả tim” của Thiên Chúa. Lòng quảng đại của Thiên Chúa mà chúng ta cảm nghiệm trong đức tin thúc giục chúng ta yêu mến Thiên Chúa như Thiên Chúa yêu mến chúng ta, chấp nhận những phiền toái và đau khổ mà các anh em của chúng ta gây ra cho chúng ta như một gánh nặng thực sự và như một ân huệ của Thiên Chúa; và trong mọi hoàn cảnh hiến dâng bản thân chúng ta như dụng cụ bình an và hoà giải (qc 4 Thư). Đức Kitô, Đấng hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ Người trong bữa ăn cuối, hoàn tất trên cây thập giá sứ mạng người tôi tớ của Người. Các Phụ vụ và Tôi tớ các anh em cũng phải tìm thấy ý nghĩa sâu xa về trách nhiệm của họ trong sự cố gắng nên đồng hình đồng dạng với Đấng chịu đóng đinh. Nếu Bữa ăn thứ Năm Tuần Thánh là nguồn mạch của tinh thần phục vụ thì sự dâng hiến hoàn toàn của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ là đỉnh cao trọn vẹn của họ. “Tình yêu mạnh hơn sự chết” (Diệu Ca 8,6). Nó xua tan mọi sợ hãi.
Khi công việc của chúng ta hoàn tất, hãy tạ ơn Chúa về tất cả mọi sự và giã từ trách vụ của chúng ta trong tinh thần từ bỏ hoàn toàn (LKsd 17; HN 20; HN 4) bởi vì chúng ta tất cả chỉ là những anh em hèn mọn và tôi tớ vô dụng” (LKsd 23; x. Lc 17,10).
Fr. Alexis Trần Đức Hải chuyển ý từ bài “FRANCOIS AU SERVICE DE SES FRERES” của Ambroise Nguyễn Văn Sĩ