CÔNG CUỘC HUẤN LUYỆN PHAN SINH – NGUỒN HỨNG KHỞI
 
           Thông thường, việc nỗ lực bước theo Chúa Kitô và phục vụ anh chị em của chúng ta không phải lúc nào cũng được người khác hiểu và đón nhận. Trong tình trạng bi đát hơn, chúng ta có thể trải qua những thất bại, hiểu lầm và đau khổ. Nhiều lúc điều này có thể xảy ra với một người anh em nhiệt huyết trong công việc phục vụ, và khi đó lòng nhiệt thành với ơn gọi của người đó có thể vơi cạn đi khá nhiều. Từ đó, chúng ta đặt vấn đề liên quan đến động cơ thúc đẩy một cá nhân mong muốn trở thành môn đệ Chúa Kitô và dấn thân vào hành trình ơn gọi của chính người ấy, chí ít vào thời điểm mà tâm hồn người ấy được bình an. Những khoảng khắc khó khăn và bất trắc, những khoảnh khắc đối diện với khủng hoảng, phải được đón nhận trong sự kiên nhẫn và tin tưởng, kết hợp với mầu nhiệm vượt qua của Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó, mầu nhiệm của ơn cứu độ thực sự được tỏ lộ ngay trong chính thực tại của cuộc sống hằng ngày.
          Chắc chắn rằng cuộc sống không phải là một chuỗi những thành công nhưng còn nhiều thất bại khác nhau. Chúng ta thừa nhận thất bại của mình một cách nghiệt ngã và khó lòng chấp nhận sự thật phũ phàng này. Tại sao chấp nhận sự thất bại lại gây khổ tâm cho chúng ta đến như vậy? Có thể sự thất bại chạm sâu vào tính tự ái trong tâm hồn chúng ta. Có lẽ chúng ta cảm thấy điều này một cách sâu sắc khi nhận ra rằng mình không thể làm được mọi thứ. Từ đó, chúng ta kết luận rằng bản thân không thông minh hoặc tháo vát, rằng mình có thể đã làm sai điều gì đó hoặc không thể đối diện với tất cả mọi vấn đề. Chính vì thế, chúng ta cảm thấy tủi nhục, buồn bã hoặc trầm cảm, thường có khuynh hướng thu mình lại và không muốn tương quan với tha nhân. Trong những khoảnh khắc đó, Có đôi khi chúng ta phản ứng cách bộc phát hơn và hời hợt bề ngoài như: nổi loạn và tức giận, chúng ta phàn nàn về những người  mà chúng ta cho là nguyên nhân gây ra sự thất bại của chúng ta…
          Kinh nghiệm thất bại có thể khiến chúng ta thấy mình tệ hơn những người khác. Chúng ta có thể bỏ qua những dự án với những giả định rằng chúng sẽ không hiệu quả. Khi những thử thách mới xuất hiện, chúng ta thường đối diện với chúng một cách thiếu nhiệt tình, vì sợ rằng hành động của chúng ta sẽ lại dẫn đến một sự thất bại khác nữa. Do đó, một mặt chúng ta có thể dễ dàng tránh tham gia những hoạt động mới; mặt khác, chúng ta dễ ngả theo khuynh hướng bù đắp quá mức cho những nỗi sợ hãi như vậy. Chúng ta có khuynh hướng ưu tiên cho chính mình và cho những tham vọng của bản thân trước đã. Khi đó, chúng ta khó có thể đưa ra những đánh khách quan về những thành công của mình, bởi vì chúng ta luôn tìm kiếm thử thách mới. Chúng ta luôn luôn hoạt động với mục đích là để chứng tỏ với chính mình và với những người khác rằng chúng ta có khả năng gặt hái được những thành công.[1]
          Tôi đoan chắc rằng ngay cả khi chúng ta đạt được một thành tựu nào đó trong cuộc sống (hay chí ít không chịu thất bại), chúng ta vẫn phải tự chuẩn bị tinh thần để đón nhận thất bại trong tương lai. Tại sao lại như vậy? Do bởi thất bại luôn là một phần tất yếu của cuộc sống. Chính vì thế, chúng ta nên suy xét cẩn thận và không ngừng cầu nguyện về cách chúng ta muốn hành động và cách chúng ta muốn sống khi đối diện với những thất bại mà chúng ta sẽ gặp phải trong tương lai. Bước theo Đức Kitô một cách sát hơn không phải là một hành trình chiến thắng liên tục. Nhưng khi nghiệm xét lại cuộc đời của Ngài, chúng ta thấy Ngài phải trải qua những hoàn cảnh mà xét theo cái nhìn của con người, đó là một kết thúc trong thất bại với cái chết ô nhục trên thập giá.[2]
          Chính khi bàn về chủ đề liên quan đến “sự thất bại” khiến tôi liên tưởng đến vị Hiền Phụ Sốt Mến của chúng ta, nhất là khi thánh nhân gặp thất bại: cụ thể trong mối tương quan tình phụ-tử, tình huynh đệ. Trong tiểu sử về thánh nhân có mô tả lại nỗi lo canh cánh của thánh Phanxicô về những anh em gây ra tai tiếng trong Dòng. Nghĩ về họ, ngài cảm nhận một sự thất bại nào đó. Bản thân thánh nhân khao khát được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, chỉ sống cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Thế nên, ngài mời gọi các anh em của ngài cũng hãy làm như vậy; nhưng ngài không thể làm cho tất cả những anh em của mình trở thành những anh em sống đời đền tội đích thực. Cảm nhận được nỗi bất an về lối sống của những anh em này, ngài chìm sâu trong việc cầu nguyện kết hiệp, và chính Chúa Kitô nhắn nhủ với thánh Phanxicô rằng những anh em ấy không thuộc về thánh nhân mà là Chúa Kitô mới là Đấng cất tiếng kêu gọi họ sống đời hoán cải, chính Chúa Kitô mới thực sự là vị mục tử dẫn dắt họ.[3] Sau khi trải qua kinh nghiệm tâm linh này, thánh Phanxicô đưa ra quyết định dứt khoát khi viết về những anh em này trong Bản Luật Có Sắc Chỉ: “Các anh Phục vụ phải coi chừng, đừng nóng giận và để mình bị dao động về tội lỗi của kẻ khác, bởi vì sự nóng giận và dao động làm mất lòng yêu mến nơi mình và nơi người khác”.[4]
          Thời đại chúng ta đang sống cũng chẳng tốt hơn hay tồi tệ hơn so với thời đại của Tiểu Tử Thanh Bần thành Assisi. Chúng chỉ khác nhau về thời điểm lịch sử. Tuy nhiên những nghịch cảnh, khó khăn, tai tiếng, những điều không như ý – hay nói cách khác là thất bại – chúng đã, đang và tiếp tục sẽ diễn ra trong đời sống chúng ta. Câu hỏi đặt ra ở đây là: “Làm cách nào để chúng ta có khả năng đối diện với những điều ấy?” Tôi tin chắc rằng những nghịch cảnh khác nhau xảy ra với chúng ta là thời điểm tốt để chúng ta dừng lại bên Chúa và trao phó tất cả nỗi ưu tư, bận tâm của chúng ta cho sự quan phòng của Ngài: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em”.[5] Đây cũng là thời điểm thích hợp giúp chúng ta làm triển nở đời sống tâm linh. Là khoảnh khắc tuyệt vời khi chúng ta nhận thức rõ ràng lý do thực sự khiến tôi sống và cùng đích đời sống của chúng ta là gì. Hơn thế nữa, chúng ta cũng nên dành thời gian để nghiệm xét lại tất cả những gì chúng ta làm mà chưa được, những lỗi lầm đó là ở đâu, chỗ nào và cả những gì chúng ta đã làm một cách tốt đẹp. Chúng ta cũng nghiệm xét xem, chúng ta có làm điều gì sai trái với người khác không? Có nên tha thứ cho người đã xúc phạm đến chúng ta hay không?” Chúng ta nên trao đổi những câu hỏi này với một người nào đó mà chúng ta tin tưởng, chẳng hạn như một người bạn, vị linh hướng hay vị đồng hành thiêng liêng…
          Chúng ta cũng nên luyện tập khả năng hướng nhìn về tương lai: Trong hoàn cảnh này, chúng ta đã học được điều gì? Liệu chúng ta có nên thay đổi điều gì không? Có lẽ chúng ta nên thực hiện một số hành động khác xảy ra vào một thời điểm khác, ở nơi khác và theo một cách thế hoàn toàn khác. Khi dành thời gian để nghiệm xét vấn đề của bản thân, chúng ta hãy lưu tâm đến kết quả tích cực thu được từ những trải nghiệm này.
          Không còn nghi ngờ gì nữa, Tác giả, Người ban cho chúng ta sự sống (Khi chúng ta thiếu sự sống trong những tình huống khó khăn này) – Chính là Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy khẩn nài Chúa Thánh Thần trợ giúp chúng ta để chúng ta có khả năng nhìn mọi vấn đề với ánh mắt của Chúa, ngay lúc này hay bất cứ khi nào mà chúng ta đối mặt với sự thất bại.
Fr. Pior Stanislawczyk, OFMConv.
Tổng thư ký đặc trách huấn luyện
Nguồn: hhttps://www.ofmconv.net/en/in-quel-momento-non-e-andata-bene-riflettiamo-sugli-insuccessi/#_ftn1
Chuyển ngữ: Giuse Lê Phạm Viết Hoàng, OFMConv. 

[1] Xc. Przemysław Mućko, Porażka – przykłady z życia, https://www.psychowiedza.com/2017/10/porazka-przyklady.html, July 4, 2023.
[2] Xc. 1 Cr 1,23.
[3] Xc. 1 Cel, số 158; Đường hướng huấn luyện, số 742.
[4] Luật Sắc Chỉ, chương 7; Đường hướng huấn luyện, số 9.
[5][5] 1 Pr 5,7.