CÔNG CUỘC HUẤN LUYỆN PHAN SINH – NGUỒN HỨNG KHỞI
 
“Đối với người Anh Em Hèn Mọn, tuổi già và bệnh tật là khoảnh khắc đầy ân sủng để kết hiệp với Thiên Chúa, với Giáo hội và anh em trong Dòng. Đó cũng là khoảng thời gian thuận tiện để người trải nghiệm một cuộc thanh tẩy ký ức và tâm hồn của mình”.[1]
          Khi đang học thần học tại Học viện của Dòng, tôi đã nhận một tu sĩ lớn tuổi trong Dòng linh hướng cho mình. Ngài là một con người khôn ngoan, cởi mở, vui tươi và đơn sơ. Trong việc đồng hành thiêng liêng, thay vì lắng nghe tôi theo cách thức của một nhà đào tạo, hay một vị bề trên thì ngài lại rất gần gũi với tôi. Dù đã ngoài tám mươi, nhưng ngài vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động mục vụ tông đồ. Ngài là người có nhiều kinh nghiệm trong việc truyền giáo và giảng thuyết khắp nơi. Dù ngài tham gia vào rất nhiều công việc mục vụ, thế nhưng, tôi cảm nhận được ở ngài một sự kết hợp mật thiết với Chúa và với Giáo hội. Tôi rất thích đến thăm ngài mỗi khi có dịp. Tôi đến với các buổi linh hướng mà không hề sợ hãi vì tôi không bao giờ cảm thấy ngài phê phán hay chê bai tôi. Mỗi lần xin gặp để được hướng dẫn, tôi luôn cảm nhận được sự khôn ngoan thông thái của ngài. Ngài nói với tôi vào lúc bắt đầu hoặc cuối giờ đồng hành thiêng liêng một lời chúc rằng: “Phêrô, tôi chúc anh sống thọ”. Sau này, tôi đã thắc mắc xin ngài giải thích chi tiết về lời chúc đó, bởi vì xét cho cùng, tuổi thọ của tôi không phụ thuộc vào tôi mà phụ thuộc vào Đấng Ban Sự Sống cho tôi. Ngài nói với tôi rằng lời chúc ấy giúp tôi chuẩn bị sẵn sàng đón nhận tuổi già, vì tuổi già chính là món quà đặc biệt Thiên Chúa ban, và tôi trở nên người xứng đáng đón nhận lời chúc tốt đẹp ấy.
          Để có thể định nghĩa: “Thế nào là tuổi già?” Tuổi già bắt đầu vào thời điểm nào trong cuộc đời con người là một việc hết sức khó khăn. Theo quan niệm thông thường thì tuổi già được xác định với những ai bước vào độ tuổi 65. Tuy nhiên, khởi điểm của tuổi già còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như: sức khoẻ về thể lý và tinh thần, cấu trúc gen di truyền, môi trường và lối sống, vai trò xã hội và hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng có lẽ nhiều người trong chúng ta đột nhiên nhận ra rằng chúng ta đã đã đi qua phía bên kia sườn dốc của cuộc đời.[2]
          Theo nghiên cứu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), có ba giai đoạn của tuổi già sau giai đoạn tuổi trung niên (từ 45-59 tuổi). Đó là tuổi già sớm (từ 60-74 tuổi), tuổi cao niên (từ 75-89 tuổi) và tuổi trường thọ (tuổi già muộn). Ngay ở tuổi trung niên, người ta có thể nhận thấy tình trạng tâm sinh lý suy giảm chậm, khối lượng cơ bắp trên cơ thể; sức đề kháng của cơ thể cũng suy giảm và có nguy cơ bị nhiễm trùng theo nhiều mức độ khác nhau, năng lực trí tuệ cũng giảm sút, thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, suy giảm thị lực và thính lực. Đối với nam giới, họ còn trải qua những triệu chứng đặc trưng của tình trạng mãn dục. Quá trình suy giảm các chức năng khác nhau có xu hướng ngày càng gia tăng ở những giai đoạn sau. Nhiều người sẽ trải qua kinh nghiệm mất người thân, bạn bè và những người đặc biệt quan trọng với họ trong cuộc đời, tình trạng này mỗi ngày một gia tăng trong tuổi già. Họ ngày càng suy nghĩ nhiều hơn về sự ra đi của bản thân trong tương lai gần.[3] 
          Để đón nhận tuổi già cách hiệu quả, chúng ta phải biết cách tự chăm sóc bản thân ngay từ sớm. Suy cho cùng, lão hoá là một quá trình mà chúng ta đều phải trải qua trong từng phút giây của cuộc đời. Tuy nhiên, điều thiết yếu ở đây là chúng ta nên học biết nhiều hơn về tuổi già và điều chỉnh lại một số thói quen cố hữu của bản thân. Về mặt kiến thức y khoa, hiện có nhiều ấn phẩm đã được xuất bản trình bày những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tuổi già. Mặt khác, tôi tự hỏi: “Có nên tìm hiểu thêm về những vấn đề liên quan đến tuổi già trong một vài giai đoạn huấn luyện của Dòng chúng ta hay không? Trong tiến trình học hỏi này, chúng ta tiếp cận với nhiều vấn đề liên quan đến tuổi già, tương quan với những anh em lớn tuổi trong Dòng và cách thức để anh em có khả năng đón nhận tuổi già trong cuộc đời đi tu theo Chúa?” Còn một vấn đề khác nữa cũng liên quan đến việc tự huấn luyện bản thân chúng ta, đó là: “điều chỉnh những thói quen cố hữu”. Những thói quen này gần như trở thành bản tính thứ hai trong con người chúng ta. Thật khó để có thể thay đổi những thói quen ấy khi chúng ta về già. Dưới đây là một số điểm gợi ý có thể giúp chúng ta hình thành thói quen đúng đắn khi bước vào tuổi già:
        (1) Học cách bày tỏ sự tôn trọng người khác. Trong cách cư xử và cách thể hiện bản thân – đặc biệt là khi chúng ta không muốn thực hiện, không có đủ sức khoẻ hay tâm trạng của chúng ta rất tốt để làm một việc nào đó. Người tu sĩ lớn tuổi nên là người tu sĩ tốt bụng, thân thiện, và luôn nói những điều tốt đẹp với những tu sĩ trẻ. Những vị tu sĩ này luôn được cộng đoàn tỏ lòng rất mực kính trọng, được cả các anh em trong cộng đoàn và mọi người bên ngoài rất trân trọng và tìm kiếm.
          (2) Lưu tâm đến việc vệ sinh cá nhân. Chúng ta hãy giữ quần áo, cơ thể, phòng ốc và văn phòng làm việc luôn sạch sẽ. Khi về già, có thể chúng ta không nhìn thấy hết các vết bẩn, hay có khả năng ngửi được mùi hôi bốc ra từ cơ thể và môi trường sống của bản thân. Việc giữ gìn bản thân luôn sạch sẽ khiến người khác cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với chúng ta.
          (3) Nuôi dưỡng mối tương quan với các anh em ở trong Dòng và những bạn bè thân hữu. Chúng ta đã làm những điều này khi sống và phục vụ tha nhân: trong Dòng, Tỉnh Dòng, Tu viện, trong gia đình, và với những anh chị em mà chúng ta đã chung sống và phục vụ. Những người này cũng cần chứng tá về cách thức mà chúng ta sống tuổi già.
         (4) Gìn giữ tâm hồn luôn bình an. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng những điều tốt lành mà trong môi trường sống của chúng ta. Nó sẽ là điều không tốt khi chúng ta chỉ tập trung vào những vấn đề của thế giới, của nhà Dòng, của người khác và của chính chúng ta. Não trạng này khiến chúng ta dễ nảy sinh khuynh hướng muốn xét đoán, thích càm ràm và bất mãn với cuộc sống. Cuộc sống của chúng ta được vun trồng bởi rất nhiều những khoảnh khắc tuy nhỏ bé nhưng vô cùng đẹp xinh, những điều tuyệt vời, những nơi thơ mộng, và những con người thân thương bên cạnh chúng ta. Đây là những quà tặng nhưng không mà Thiên Chúa thương ban cho chúng ta. Để đáp lại tình thương vô bờ ấy, chúng ta hãy dâng Người lời chúc tụng, tôn vinh, và cảm tạ, vì tất cả những ơn lành mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Bởi vậy, chúng ta thực sự cần đến sự hiện diện của những tu sĩ lớn tuổi trong cộng đoàn, vì tâm hồn họ tràn đầy niềm vui và sự bình an sâu thẳm.
         (5) Vui lòng chấp nhận những thay đổi về vai trò, chức vụ và những nhiệm vụ liên quan. Thật tốt đẹp biết bao khi các tu sĩ lớn tuổi tiếp tục chăm chú vào đời sống cầu nguyện và hỗ trợ đắc lực cho những anh em trẻ kế nhiệm vai trò của mình. Chúng ta hãy để những anh em trẻ thực hiện những thay đổi và đón nhận những khuyết điểm còn tồn tại mỗi khi họ điều phối công việc.
         (6) Trở thành một vị cố vấn tín cẩn. Người khác cảm thấy phiền phức và khó chịu khi chúng ta cố gắng bày tỏ những kinh nghiệm, suy nghĩ cá nhân cũng như muốn chi phối người khác của chúng ta. Người ta có thể nhận ra một tu sĩ khôn ngoan qua cách thức người ấy biểu lộ những điều đó ra bên ngoài, sự khôn ngoan phát xuất từ bên trong tâm hồn của họ. Một tâm hồn không ngừng tìm kiếm sự khôn ngoan sẽ thu hút nhiều người tìm đến để được sự hướng dẫn về đời sống thiêng liêng.
          (7) Rèn luyện tính nhẫn nại khi đối diện với bệnh tật. Hãy để cho người khác có cơ hội nâng đỡ chúng ta, hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào những người đang chăm sóc chúng ta, và hãy đối xử tử tế và bao dung với tha nhân khi họ cũng đang chịu sự dày vò của bệnh tật.
          (8) Duy trì công cuộc tự huấn luyện bản thân. Đây là một tiến trình giúp chúng ta thiết lập mối tương quan thân thiết và cá vị với Thiên Chúa. Khi chúng ta thực hiện việc tự huấn luyện bản thân là chúng ta đang mang trên mình tấm áo Phan Sinh, chúng ta sẽ trở thành khuôn mẫu của đời sống thánh hiến cho những người khác. Nhiều tu sĩ trẻ sẽ khóc thương một tu sĩ lớn tuổi trung thành với việc tự huấn luyện bản thân khi họ qua đời, và ngay cả khi người tu sĩ lớn tuổi qua đời thì lối sống mẫu mực của ngài vẫn có sức tác động đến những anh em tu sĩ trẻ khác như một mẫu mực sống Phúc Âm.
         Tóm lại, điểm chính yếu qua những lời khuyên về một lối sống tu trì trên đây là ý tưởng mời gọi chúng ta hãy thực hành khổ chế. Bởi vì việc thực hành này đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ những điều gây nguy hại cho chúng ta trong việc theo đuổi lý tưởng tu trì và quyết tâm thực thi những điều tốt đẹp, ngõ hầu chúng ta có thể thăng tiến mỗi ngày trên hành trình bước theo Chúa Kitô. Trong hoàn cảnh đời sống hiện nay, việc thực hành khổ chế hệ tại ở việc chúng ta tham gia các hoạt động nhất định, cụ thể:
  (1) Xét về khía cạnh thể chất: rèn luyện thể dục thể thao, có chế độ ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi điều độ, thường xuyên kiểm tra và tuân thủ phác đồ điều trị y khoa và nha khoa định kỳ theo quy định…;
  (2) Xét về khía cạnh tri thức: tham dự các khoá huấn luyện thường xuyên hay đọc một cuốn sách hay;
  (3) Xét về khía cạnh tinh thần: biết cách nuôi dưỡng sự phát triển về mặt cảm xúc, biết quân bình đời sống, biết phát huy những năng lực tiềm ẩn và khắc phục những điểm yếu của bản thân cũng như trao đổi với chuyên gia tâm lý trị liệu về những khó khăn nhất định mà chúng ta gặp phải…;
  (4) Xét về đời sống thiêng liêng: thực hành việc cầu nguyện, chia sẻ với anh em trong đời sống cộng đoàn, tham gia những cuộc tĩnh tâm, biết chấp nhận những thách đố cả trong đời sống thiêng liêng lẫn trong đời sống mục vụ.
       Tất cả những khía cạnh vừa được liệt kê đều có mối liên hệ chặt chẽ và hỗ tương trong đời sống của anh em chúng ta, vì những khía cạnh này là phần không thể tách rời khỏi bản tính con người của mỗi chúng ta. Kế đến, tôi cũng muốn trình bày thêm về việc chúng ta thường thực hành hình thức khổ chế ăn chay, bao gồm các hoạt động như: đăng ký tham gia vào các hoạt động của một nhóm mới, hay tiết chế việc thoả mãn quá mức cần thiết với nhu cầu của cá nhân, điển hình như việc ăn uống quá nhiều, dành quá nhiều thời giờ trước màn hình TV hay lướt internet…
         Có lẽ còn có những thực hành khác mà chúng ta cần tu tập để giúp chúng ta có thể sống ơn gọi của mình một cách tốt đẹp khi về già như những người Anh Em Hèn Mọn Viện Tu. Trong tất cả những điều này, chúng ta cần thực hiện một lối sống hợp lý, một lối sống không trở nên gánh nặng cho cộng đoàn và sứ mạng tông đồ của Dòng chúng ta. Tuổi thọ của chúng ta và ngay cả cách thế mà chúng ta sống tuổi già cũng không hoàn toàn phụ thuộc vào chúng ta; chính vì thế, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để cộng tác với Thiên Chúa khi đề cập đến tuổi già của mỗi chúng ta.
         Chúng ta hãy nhớ lại việc thánh Phanxicô đã đối xử rất khắc nghiệt với thân xác của ngài, đây cũng là xu hướng thực hành khổ chế vào thời của thánh nhân. Ngài qua đời vào cuối thời Trung Cổ. Vào lúc cuối đời, thánh nhân đã xin lỗi “anh lừa” là chính thân xác của ngài, vì ngài đã đối xử khắc nghiệt với anh. Thánh nhân khuyến khích các anh em của ngài hãy đối xử với cơ thể mình như một người anh em cần được chăm sóc đúng mực.[4]
        Cảm thức của người Anh Em Hèn Mọn về tinh thần khổ chế không hệ tại ở việc chúng ta luôn cố gắng gìn giữ thân thể khỏe mạnh nhất có thể hay ôm ấp giấc mộng nhằm duy trì tuổi thanh xuân trường cửu. Nhưng đó là một lối sống đặc thù để không ngừng phục vụ cho mục đích rao giảng Nước Thiên Chúa một cách lâu dài với hết cả linh hồn,  hết trí khôn, và hết sức lực của chúng ta. Một khi đã sống được cảm thức này thì cho dù tuổi già ảnh hưởng đến thân xác chúng ta theo thời gian thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn có thể trải nghiệm tuổi trẻ bên trong chính nội tâm của mình, bởi vì chúng ta đã mở lòng đón nhận vĩnh cửu.[5] Tôi đã gặng hỏi một tu sĩ cao niên rằng yếu tố nào là quan trọng nhất của một Anh Em Hèn Mọn Viện Tu để có thể sống tuổi già viên mãn? Ngài trả lời tôi rằng đó là “cảm thức” thân phận mọn hèn lắm khiếm khuyết của bản thân, nhờ vậy, ngài trở thành khí cụ hữu hiệu trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa với sự bảo trợ của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chính thánh Maximilianô Kolbe đã diễn tả cảm thức ấy qua lời nguyện “Tận hiến cho Đức Trinh Nữ Maria”.
        Linh đạo của chúng ta là “những anh em sống đời đền tội thành Assisi” là lý tưởng để tạo ra những thay đổi phù hợp trong cuộc sống, và một khi trở thành những tu sĩ cao niên, chúng ta sẽ chào đón Chị Chết trong bình an và niềm vui, chính Chị sẽ dẫn chúng ta bước vào đời sống vĩnh cửu của Thiên Chúa Hằng Sống. Vì thế, lời tự vấn mà chúng ta thường tự hỏi vẫn còn nguyên giá trị: “Tôi muốn trở thành một tu sĩ như thế nào? Tôi muốn được mọi người đối xử với tôi ra sao? Tôi muốn sống như thế nào khi trong tuổi già với tư cách là một Anh Em Hèn Mọn Viện Tu.                                                                                                                                                             
  Friar Piotr STANISŁAWCZYK
Tổng thư ký đặc trách huấn luyện
Nguồn: https://www.ofmconv.net/en/io-francescano-senior/
Chuyển ngữ: Giuse Lê Phạm Viết Hoàng, OFMConv. 

[1] Order of Friars Minor Conventual, Franciscan Discipleship. Ratio studiorum, Rome 2022, no. 165, https:// ofmconv.net/ download/discepolato-francesc-ratio-stud-2022/?wpdmdl=51910&refresh=64a5a6fa64a5e1688577786, November 7, 2023.
[2] Xc. Bernadeta Łacheta, Zrozumienie starości, http://bc.upjp2.edu.pl/Content/2397/lacheta.pdf, November 8, 2023.
[3] Xc. Mariola Świderska, Obawy związane ze starością̨, https: //bazhum.muzhp.pl /media/ files/ Pedagogika _Rodziny/Pedagogika_Rodziny-r2015-t5-n3/Pedagogika_Rodziny-r2015-t5-n3-s137-150/Pedagogika_Rodziny-r2015-t5-n3-s137-150.pdf, November 10, 2023; Wikipedia, Andropauza, https://pl.wikipedia.org/wiki/ Andropauza, November 10, 2023; Halina Zielińska-Więczkowska, Kornelia Kędziora-Kornatowska, Tomasz Kornatowski, Starość jako wyzwanie, https:// gerontologia.org. pl/wp-content/uploads/2016/05/2008-03-3.pdf, November 9, 2023.
[4] Xc. 2 Cel 129. 201-211; FF 713. 789-800.
[5] Xc. Jan Paweł II, Do moich braci i sióstr – ludzi w podeszłym wieku. List Ojca Świętego Jana Pawła II do osób w podeszłym wieku, October 1, 1999, nr 12, https://opoka.org.pl/biblioteka /W/WP/jan_pawel _ii/listy /do_ starszych_01101999.html, November 9, 2023.