Làm thế nào mà con trai của một thương gia lại trở thành một kẻ hành khất?

Điều gì đã khiến một chàng cử nhân nổi tiếng bắt đầu mơ màng nói về “Chị Nghèo Khó”. Bởi đâu một chàng trai rời bỏ những buổi tiệc tùng và dành hàng giờ để xây dựng lại một nhà nguyện xiêu vẹo bằng đá?

Câu chuyện về ơn hoán cải của thánh Phanxicô Assisi – câu chuyện về cách Thiên Chúa đã biến đổi sâu sắc một trái tim con người. Và cũng là một câu chuyện về sự đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa từ một con người – một lời đáp trả có lúc không chắc chắn và phải tìm kiếm; cũng có lúc đau khổ, nhưng vẫn luôn luôn hết lòng.

Hành trình đi tìm.

Phanxicô là con trai của Pieto de Bernardone và bà Pica, sinh ra tại thành Assisi, trung tâm của nước Ý vào những năm 1181. Thánh nhân là người thừa kế việc kinh doanh quần áo của Cha mình, Phanxicô thích mặc những bộ quần áo thời thượng từ xưởng kinh doanh của cha và thích chiêu đãi bạn bè với những bữa ăn hoang phí. Chàng thanh niên luôn bị thu hút bởi những câu chuyện về các hiệp sĩ với áo giáp và mơ về một ngày có thể cưỡi ngựa ra chiến trường cách vẻ vang.

Vào năm 1202, ngài cùng những người trong thị trấn tham gia vào cuộc chiến chống lại thành phố Perugia. Đây là “cơ hội tốt” để ngài giống một hiệp sĩ, nhưng đáng tiếc cuộc chiến đã thất bại. Ngài khích lệ tinh thần của những bạn tù với sự kiên nhân và những bài hát vui vẻ của mình trong một năm bị giam cầm. Sau khi tại ngoại, Phanxicô bị sốt kéo dài. Trong thời gian dưỡng bệnh, ngài đã nghĩ về cuộc đời của bản thân, về những điều vĩnh cửu. Nhưng khát vọng phiêu lưu vẫn mãnh liệt. Sau khi bình phục hẳn, ngài tham gia đội hiệp sĩ phục vụ Giáo hoàng.

Phanxicô lại lên đường tham chiến vào năm 1205, nhưng một căn bệnh khác đã phá hủy hoàn toàn hy vọng của ngài. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê do cơn sốt, ngài nghe được một giọng nói: “Con nghĩ ai có thể trả công bội hậu, chủ hay đầy tớ? Ngài đáp: “Thưa, chủ”. Tiếng nói lại tiếp: “Vậy tại sao con lại rời bỏ người chủ cho các đầy tớ, Thiên Chúa giàu có dành cho kẻ nghèo hèn?”. Phanxicô trở về nhà, lòng không vẫn chưa rõ về ý nghĩa của giấc mơ nhưng ngài tin tưởng rằng Thiên Chúa đã nói với mình.

Chiến thắng nhờ sự khó nghèo.

Trở về thành Assisi, Phanxicô quay lại với những thú tiêu khiển trước đây, nhưng giờ đây trái tim ngài không còn thuộc về chúng. Ngài bắt đầu khinh ghét con đường cũ và tin rằng ngài đã lãng phí cuộc đời vào những thứ tầm thường và nhất thời. Đấu tranh với bản thân và tìm kiếm con đường cho mình, Phanxicô đã dành hằng giờ để cầu nguyện với một lòng nhiệt huyết ở vùng thôn quê hay những hang động tối tăm, dành mọi lúc để tìm hiểu ý muốn của Thiên Chúa. Dần dần, ngài đã bắt đầu cảm thấy khao khát để sống như Chúa Giêsu, người mà ngài gọi là “Đức Kitô Khó Nghèo”.

Một buổi tối sau khi tiệc tùng với bạn bè, Phanxicô đã cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa sâu sắc đến mức ngài bị mê mẩn. Khi bạn bè của ngài nói đùa rằng ngài đã yêu, ngài trả lời: “Vâng, tôi đang nghĩ tới việc kết hôn, nhưng cô dâu sắp cưới sẽ cao quý hơn, nhiều của cải hơn và ngay thẳng hơn bất cứ người phụ nữ nào mà bạn biết”. Phanxicô đã tự hứa với “Chị nghèo khó” và chọn sống một cuộc đời giản dị, noi gương theo sự nghèo khó của Đức Ktiô, Đấng đã chiếm trọn trài tim ngài.

Được truyền cảm hứng trong một lần hành hương đến Rôma, Phanxicô đã đối mặt với sự nghèo khó mà ngài đã ước nguyện. Tại Rôma, ngài đã đổi bộ quần áo đắt tiền của mình để lấy cái áo chàong rách rưới và ăn xin một phần bánh mì. Cuối cùng, “kẻ hát rong” đã có cơ hội để thực hiện hóa lý tưởng đã lấp đầy tâm trí.

Làm chủ bằng tình yêu.

Phanxicô kinh nghiệm được sự giải thoát khi sống khó nghèo, khi ngài về nhà, ngài không còn cảm thấy sợ sống thiếu thốn với những nhu cầu thường ngày. Nhưng ngài biết rằng phía trước còn nhiều “bước chân” thử thách. Thử thách cuối cùng cũng đến với thánh nhân, một vài năm sau đó khi ngài bắt gặp một người bị phong hủi. Phanxicô đã khựng lại khi thấy cảnh tượng khủng khiếp và bỏ đi theo bản năng. Nhưng ngài đã dừng lại. Ngài cảm thấy đã đến lúc phải đối mặt với sự tự phụ và sự vô cảm trong con người mình.

Phanxicô đã quay lại và không ngần ngại ôm người đó. Ngài hôn vào tay và trao vài đồng cho người này. Với một cử chỉ tình yêu nhỏ nhoi này, Phanxicô cảm thấy những phản ứng ác cảm tự nhiên biến mất. Thay vào đó, ngài lấp đầy nó bằng lòng trắc ẩn đến nỗi ngày hôm sau ngài đã trao tặng tất cả tiền bạc cho những người phong cùi ở bệnh viện địa phương và cầu xin sự tha thứ vì đã thường xuyên khinh thường họ.

Phanxicô bắt đầu chăm sóc bệnh nhân, nhưng ngài vẫn tiếp tục thưa với Thiên Chúa rằng: “xin cho con biết mục đích trọn vẹn cuộc sống của mình.” Vào một ngày năm 1207, trong lúc cầu nguyện tại một nhà thờ đổ nát ở San Damiano, ngài nghe thấy Chúa Giêsu thì thầm từ cây Thánh Giá rằng “Phanxicô, hãy đi và sửa lại nhà cho Ta, nơi mà con thấy nó đã đổ nát”.

Tha thiết đáp lại lời Thiên Chúa, Phanxicô đã nghe và hiểu theo nghĩa đen và bắt đầu công việc sửa chữa lại ngôi nhà thờ. Vì tính bốc đồng, ngài đã bán một số quần áo của cha mình và lấy tiền mua đá. Pietro, tất nhiên, không thích thú gì với việc con trai sử dụng tài sản của mình như thế. Căm phẫn và tức giận, Pietro đã lôi Phanxicô ra trước Tòa giám mục.

Khi bị xét xử trước Đức giám mục, Phanxicô đã thực hiện một cử chỉ ý nghĩa để đánh dấu sự đoạn tuyệt cuối cùng với lối sống cũ. Ngài đã cởi trả bộ quần áo cho cha mình. “Cho đến lúc này, tôi vẫn gọi Pietro de Bernardone là cha trên trái đất”, ngài tuyên bố: “Vì thế, tôi chỉ muốn nói rằng ‘Cha của chúng ta là Đấng đang ngự trên trời’”. Giám mục Guido nhận ra rằng, bằng cách nào đó Thánh Thần đang hoạt động trên Phanxicô, vì thế vị Giám Mục đã khoác lên Phanxicô áo choàng của mình, vì lúc đó Phanxicô trần truồng, để biểu thị cho sự bảo vệ của Giáo hội lên thánh nhân. Kể từ lúc đó, Phanxicô đã mặc trên người một tấm  áo dài thô và sống “rập theo Tin Mừng”.

Thành lập Dòng Anh Em Hèn Mọn.

Phanxicô trở về thành Assisi để công bố tình yêu Thiên Chúa cho mọi người và hát những bài ca để ngợi khen Người. Chẳng bao lâu, những người trẻ cảm thấy bị thu hút bởi lối sống đó và bắt đầu đi theo. Nhưng họ không biết phải xuất phát như thế nào, nên họ đã cầu xin Thiên Chúa hướng dẫn.

Với tâm tình đơn sơ trong những quyết định của Phanxicô, ngài và những người huynh đệ đã mở ngẫu nhiên Tin Mừng ba lần. Đoạn đầu tiên, “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. (Mt 19,21) Tiếp theo, “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo.” (Lc 9,3) Cuối cùng, “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình.” (Lc 9,23) Phanxicô nói: “Thưa anh em, đây sẽ là đời sống chúng ta, quy tắc của chúng ta. Hãy để nó lấp đầy  trái tim chúng ta”.

Sau đó, thánh nhân đã mô tả trong di chúc của mình: “Khi Thiên Chúa trao cho tôi những anh em, chẳng ai chỉ cho tôi phải làm gì, hay bằng cách nào, nhưng là chính Đấng Tối Cao đã tỏ bày cho tôi rằng tôi phải sống dựa trên Tin Mừng”. Vào năm 1210, Dòng Anh Em Hèn Mọn mới được sự chấp thuận từ Đức Giáo Hoàng Innocent III.

Tự gọi bản thân là Anh Em Hèn Mọn – những người “thấp kém nhất” trong xã hội – anh em hèn mọn đã đi rao giảng không chỉ ở Ý, nhưng con ở Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Marốc và Phương Đông. Như những người hát rong, họ đã hát về tình yêu của Thiên Chúa và kêu gọi mọi người trong các thành thị và làng mạc ăn năn thống hối và nhận ơn tha thứ từ thập giá Chúa Giêsu. Anh em đã sống giản dị: họ làm việc để kiếm thức ăn và đã xin ăn khi không tìm được công việc. Họ tặng ban một cách nhưng không những gì họ có khi có người xin họ và chẳng giữ gì cho bản thân.

Chịu đóng đinh với Chúa Giêsu.

Tin Mừng mà Phanxicô và anh em hèn mọn rao giảng – cùng với chứng tá trong đời sống của họ – đã ảnh hưởng một cách sâu sắc, không chỉ vô số người dâng hiến cuộc sống mình cho Thiên Chúa, mà còn làm cho số anh em tham gia vào nhóm tăng nhanh chóng, thách thức sự hướng dẫn của thánh nhân.

Theo thời gian, nhiều anh em mới nhận thấy tính anh hùng trong sự nghèo khó của Phanxicô và những anh em đầu tiên có cuộc sống rất khó khăn. Nhưng ngày càng nhiều anh em có học thức đã chỉ trích tinh thần vô tư của thánh nhân và buộc tội cho ngài là người ngẫu hứng và ngây thơ. Họ muốn có sự đảm bảo về vật chất hơn và tổ chức rõ ràng hơn. Điều này đã thúc ép Phanxicô soạn ra một bộ luật mới.

Phanxicô đã đồng ý, nhưng vẫn nhiều người nghĩ rằng những qui tắc sửa đổi mới này cũng còn quá khó. Do đó, Hồng y Ugolino – vị cố vấn – đã sửa đổi lại và được Đức Giáo hoàng Honorius phê chuẩn vào năm 1223. Bị tổn thương sâu sắc bởi việc thay đổi đối với “lý tưởng Tin Mừng”, Phanxicô đã thường xuyên ẩn mình với Chúa trong lời cầu nguyện để tìm kiếm sự an ủi.

Phanxicô đã dành tháng 9 năm 1224 để cầu nguyện và ăn chay trong một dòng kín trên ngọn núi hiểm trở của Alverno. Ở đó, trong một thị kiến rõ ràng những vết thương của Chúa, ngài đã được in dấu trên bàn tay và bàn chân và mặt của mình những vết thương của Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Phanxicô đã biến đổi hoàn toàn nên Chúa Giêsu đến nỗi ngài giống với Chúa Giêsu về ngoại hình.

Để “làm đẹp lòng Chúa nhất”.

Trong hai năm cuối đời, ngoài những dấu thánh, thánh nhân đã nếm trải căn bệnh viêm phổi, loét dạ dày và mù lòa. Dù cái chết đã cận kề, nhưng thánh nhân vẫn mãn nguyện – tin chắc rằng, qua tất cả các cuộc chiến và cố gắng để hiểu được sự đáp lại Thiên Chúa, ngài đã vâng phục ý muốn của Thiên Chúa theo cách tốt nhất mà Ngài hiểu. “Tôi đã làm những gì tôi phải làm”, ngài nói với các anh em của mình, “hãy cầu xin Chúa dạy bảo cho anh em biết điều anh em phải làm”.

Tối ngày 3 tháng 10 năm 1226, trong 45 năm cuộc đời của mình, Thánh Phanxicô đã yêu cầu được nằm trên sàn trong ngôi nhà nguyện nơi mà ngài vẫn thường cầu nguyện với anh em của mình. Sau khi đọc cho ngài nghe cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, ngài đã hát vang lời “Kinh Chiều” với tất cả anh em. Với giọng yếu ớt, ngài đã ngâm nga thánh vịnh 142: “Xin đưa con ra khỏi ngục tù, để con cảm tạ danh thánh Chúa. Bao kẻ lành xúm lại mừng con, vì con đã được Chúa thi ân giáng phúc”, và ngài trút hơi thở.

Thánh Phanxicô đã từng động viên người anh em yêu dấu Leo rằng: “Trong bất cứ việc nào bạn nghĩ rằng bạn sẽ làm hài lòng Chúa nhất, hãy làm theo cách đó”. Ngay cả khi, hết lần này đến lần khác, ngài không chắc nên làm gì, thánh nhân vẫn luôn cố gắng “làm hài lòng Chúa nhất”. Mỗi bước ngài đi điều mở rộng trái tim để đón nhận hồng ân Thiên Chúa cho đến khi ngài hoàn toàn trở nên giống Chúa. Xin cho chúng ta, như thánh Phanxicô, luôn luôn tìm kiếm “con đường đó”, con đường chúng ta làm đẹp lòng Đức Kitô.

Chuyển ngữ: Giới trẻ thừa sai Chúa Cứu Thế Miền Nam

Nguồn: wau.org (The Conversion of St. Francis of Assisi – BY: JEANNE KUN)