CÔNG CUỘC HUẤN LUYỆN PHAN SINH – NGUỒN HỨNG KHỞI
 
“Để anh em giữ vững đặc sủng của Dòng và ý thức gắn kết với Hội Thánh”.[1]
 
          Trích đoạn trên được rút ra từ Hiến chương của Dòng đề cập đến trách nhiệm của các Anh Phục vụ, bên cạnh đó, còn trình bày chương trình huấn luyện dành cho mỗi anh em: với mục đích làm triển nở đặc sủng Phan Sinh và ý thức gắn kết với Hội Thánh. Có lẽ tất cả chúng ta đã từng nghe ai đó hỏi mình rằng: “Đâu là điểm đặc thù của Anh Em Hèn Mọn Viện Tu chúng ta trong Gia đình Phan Sinh?” Mọi người nhìn vào Huynh Đệ Đoàn chúng ta cùng với các Anh Em Hèn Mọn và các Anh Em Hèn Mọn Capuchin nhận thấy đời sống của anh em thuộc cả ba nhánh không có gì khác nhau. Mỗi nhánh thuộc Dòng I đều có các Tu viện riêng tuỳ vào quy mô và kích cỡ có phần khác biệt của mỗi nhánh. Mỗi nhánh của Dòng I đều phục vụ trong các giáo xứ và các điểm truyền giáo, thi hành sứ vụ tông đồ, điều hành các trường học, các trung tâm bác ái và nhà tĩnh tâm theo cùng một cách thức .... Dẫu vậy, chúng ta cũng lưu ý rằng cả ba nhánh Dòng I đều có những điểm khác biệt. Những điểm này không hệ tại ở tu phục, cơ cấu hoạt động, hay lịch sử tính. Mặc dù chúng ta chia sẻ chung với nhau một nền linh đạo, nhưng đồng thời, mỗi nhánh có đặc sủng và lối sống khác nhau. Vấn đề ở đây không phải là việc chúng ta đưa ra đánh giá nhánh nào tốt hay tốt hơn, mà là để phân biệt nét đặc trưng của mỗi nhánh là gì, cũng như để nhận ra những nét riêng biệt của từng nhánh mà chúng ta thường hay nhắc tới. Khi nhận thức rõ những điều căn cốt này, chúng ta sẽ tìm hiểu để làm triển nở lối sống đó và cố gắng hiện thực hóa lối sống ấy trong đời sống chúng ta.
          Nhìn lại lịch sử và truyền thống của Anh Em Viện Tu chúng ta, các vị thánh và các anh em lỗi lạc, chúng ta có thể nhận ra quà tặng cao quý mà Chúa Thánh Thần ban cho Anh Em Viện Tu chúng ta đến ngày hôm nay. Thực vậy, chính lý tưởng sống cùng việc mô tả vắn gọn về linh đạo và đặc sủng được thể hiện trong chính tên gọi của Dòng chúng ta: “Anh Em Hèn Mọn Viện Tu”. Có lẽ những ý tưởng đặc thù để có thể định nghĩa “tính Viện tu” xem ra có phần hơi mờ nhạt, vì chúng ta tập trung cho việc nghiên cứu và mô tả linh đạo của Đấng Sáng Lập nhiều hơn là linh đạo đặc thù trong Anh Em Hèn Mọn Viện Tu chúng ta. Có lẽ đây cũng là lý do nhiều người nhầm lẫn tên gọi của chúng ta (hay chính chúng ta cũng tự nói về mình như vậy): “Anh Em Phanxicô Viện Tu”.
           Xem xét cách kỹ càng hơn, chúng ta nên nhớ rằng những anh em tiên khởi đi theo thánh Phanxicô được gọi là: “những anh em sống đời đền tội”. Mãi đến sau này, chúng ta mới có tên chính thức là: “Anh Em Hèn Mọn”.[2] Tuy nhiên, cả hai tên gọi đều nhắc nhớ chúng ta về nền tảng cơ bản của lối sống mà chúng ta gọi là Dòng Phanxicô. Đây là điểm chung của các anh em thuộc Dòng Nhất chúng ta.
            Vào thời thánh Phanxicô, những vùng ngoại ô và cả các thành thị là khu vực đầy thử thách và cũng là môi trường đặc thù để truyền giáo. Vì sứ mạng của Hội Thánh, các anh em “Viện Tu” đã cam kết sống với người dân trong khu dân cư đông đúc. Họ từ bỏ cuộc sống tại các ẩn viện, để thiết lập những Tu viện nhỏ ở vùng ven các khu dân cư đông đúc trong thành phố, và quyết tâm theo đuổi lối sống lưu động để rao truyền Phúc Âm. Để công cuộc truyền giáo đạt hiệu quả hơn, các anh em tập chú vào việc học tập nghiên cứu, mục vụ tông đồ, và cùng nhau cử hành phụng vụ một cách sốt sắng. Các Tu viện của anh em trở thành những trung tâm có quy mô dành cho các hoạt động mục vụ tông đồ, đào tạo những nhà giảng thuyết, các cha giải tội, cũng như những anh em dấn thân cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục và văn chương. Các anh em sống với nhau trong cộng đoàn, nơi đây, họ học cách từ bỏ những ước muốn cá nhân để cùng nhau phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Dân thánh của Người.[3] So với đường lối huấn luyện thuộc các nhánh khác, nhánh Anh Em Hèn Mọn Viện Tu với nét đặc là luôn duy trì sự hiệp thông với Hội Thánh. Không phải chúng ta là người giải giải thích Luật Dòng, nhưng Đức Giáo hoàng chính là người giải thích Luật này. Ngài là người đưa ra định hướng tinh thần [Luật Dòng] cho chúng ta sống như thế nào cho phù hợp với những nhu cầu của Hội thánh trong mỗi giai đoạn cụ thể, xác định những địa điểm và những hoạt động cụ thể để anh em có thể dấn thân. Nhìn chung, mọi người đều nhất trí rằng việc Hội thánh đưa ra lời giải thích [cho Bản Luật và lối sống của anh em] là việc làm tốt đẹp và hợp lý mà chúng ta không cần thảo luận hay bàn cãi, vì những hành động này có thể dẫn đến nỗi đau khổ cùng sự chống đối.[4]
           Thật không may, cũng xảy ra những thách đố khi Tòa Thánh nới rộng quyền miễn trừ trong việc giải thích Luật, thay vì thúc đẩy để anh em có thêm động lực và tính sáng tạo trong công cuộc truyền giáo thì những đặc quyền ấy lại khiến “một vài anh em ngủ quên”, và điều này là lý do khiến tình yêu thuở ban đầu của anh em bị giảm sút. Hiện trạng này vẫn đang diễn ra cho đến ngày hôm nay: Khi anh em không còn nhìn thấy lý do chính yếu, lý do mang chiều kích huyền nhiệm thúc đẩy anh em gia nhập Huynh Đệ Đoàn, thì những động lực, tham vọng và khát mong của con người khác nơi tôi (cá nhân tôi gọi là “yếu tố con người) sẽ nhanh chóng trỗi dậy.
          Ngày nay, “thành phố” không chỉ là một trung tâm với số dân đông đúc, mà còn là một khu vực có nhiều người đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau sinh sống. Đây còn là nơi giao thoa của các phong tục tập quán, quan niệm sống, tư tưởng, tôn giáo và tâm linh khác nhau. Theo nghĩa này, chúng ta có thể áp dụng khái niệm “thành phố” cho các vùng ngoại ô, thị trấn, làng mạc và khu định cư.[5] Trong viễn cảnh của khái niệm này, chúng ta có thể coi “thành phố” là “một không gian có người sinh sống”. Điều này không chỉ đúng xét theo nghĩa vật lý, mà còn theo nghĩa thực tế ảo, thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Chúng ta, với tư cách là những Anh Em Hèn Mọn Viện Tu, “thành phố” là địa bàn để thực thi công cuộc truyền giáo và các hoạt động mục vụ tông đồ, và cũng là nơi quy tụ càng nhiều người càng tốt để có thể dẫn đưa họ đến ơn cứu độ.
          Ngày hôm nay có rất nhiều anh em, cũng giống như nhiều anh em trong quá khứ, bày tỏ nhu cầu muốn “xa rời thị thành” để trở về với đời sống thinh lặng, cầu nguyện và chiêm niệm, sống bằng của bố thí, lao động chân tay và sống đời đền tội. Lối sống mà anh em muốn dấn thân thể hiện sự khiêm nhường và nghèo khó. Theo lối diễn giải đầy tính cá nhân của những anh em này, dường như đây là lối sống mà Bản Luật Có Sắc Chỉ khuyến dụ anh em chúng ta dấn thân vào. Do đó, nơi lý tưởng để hiện thực hoá lối sống này là một ẩn viện hay một tu viện nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta gạt điều này sang một bên khi chúng ta nỗ lực lắng nghe những gì Chúa Kitô truyền dạy chúng ta qua giáo huấn của Hội thánh và lời huấn dụ của Đức Thánh Cha. Anh em chúng ta cùng tiến bước trên một con đường khi tuyên bố từ bỏ những lý tưởng “chung” hoặc “riêng” mà chúng có mối liên hệ chặt chẽ với đời sống chúng ta. Chúng ta cũng thường tự định hướng, đề ra những ý tưởng có liên hệ đến đời sống tu trì của chúng ta. Vì thế, chúng ta có thể dành thời gian để “nghỉ ngơi” tại các ẩn viện hoặc nhà tĩnh tâm của Dòng, trong thời gian nghỉ phép hay tĩnh tâm, với mục đích thực hiện cuộc “trở về nguồn”, trở về với Tính Viện Tu khi anh em cùng nhau tìm kiếm thánh ý Chúa với một niềm xác tín, để kín múc từ nơi đó tình yêu sung mãn và nguồn năng lượng dồi dào. Chúng ta cũng không ngừng làm triển nở đặc sủng “Viện Tu” khi đảm đương các sứ vụ tông đồ tại các “thành phố” ngày nay với ánh mắt hướng về Vương cung thánh đường thánh Phêrô ở Vatican.
                                                                        Fr. Pior Stanislawczyk, OFMConv.
Tổng thư ký đặc trách huấn luyện 
Nguồn: https://www.ofmconv.net/en/conventuality/
Chuyển ngữ: Giuse Lê Phạm Viết Hoàng, OFMConv.

[1]  Hiến chương (2019), số 60, §1.
[2] Xc. W. Di Fonzo, J. Odoardi, A. Pompei, OFM Conv., Bracia mniejsi konwentualni. Historia i życie 1209-1976, Niepokalanów 1988, p. 264.
[3] Xc. Lázaro Iriarte, OFM Cap., Historia franciszkanizmu, Cracow 1998, p. 114.
[4] Xc. Roland Preis, OFM Cap., Za Franciszkiem. Dzieje Zakonu franciszkańskiego 1209-1517, Cracow 2011, p. 269-284.
[5] Xc. Pope Francis, Evangelii gaudium, no. 73.