CÔNG CUỘC HUẤN LUYỆN PHAN SINH – NGUỒN HỨNG KHỞI
PHẦN 3: LÀ NGƯỜI NGHÈO HAY ĐỂ SỐNG NGHÈO?
 
“Anh em có thể sống vui vẻ giữa người nghèo, liên đới với các nỗi đau khổ và âu lo của họ, cùng lao động như họ và với họ, tích cực dấn thân để cải thiện đời sống của họ”.[1]
 
        Nhiều người cảm thấy ấn tượng về bề dày lịch sử toàn thể gia đình Phan sinh, các anh em tập chú vào việc “không sở hữu của riêng”, nghĩa là họ sống đức nghèo khó. Dường như trong những cuộc tranh luận của anh em liên quan đến “đức nghèo khó” và trong những cải cách do một số nhóm thực hiện, “đức nghèo khó” dường như đã trở thành cùng đích mà anh em hướng tới. Lựa chọn Thiên Chúa và việc chúng ta thuộc trọn về Người không còn là trung tâm điểm của đời sống anh em nữa. Quan niệm về việc anh em chúng ta sở hữu hay không sở hữu tự bản chất đã trở thành mục đích mà chúng ta nhắm tới. Cuộc tra vấn liên quan đến việc sống đức nghèo bị nhầm lẫn với lý tưởng khiến cho bản thân sống nghèo khó.[2] 
        Tiềm ẩn mối nguy cơ khi một người sống sự nghèo khó mà không rèn luyện nhân đức nghèo khó nơi chính mình. Tự bản chất nghèo khó đơn thuần chỉ là sự thiếu thốn. Thật dễ dàng nảy sinh lòng ghen tỵ với những người có nhiều của cải khi một người sống trong tình trạng nghèo khó.  Người ấy cũng dễ dàng biện minh cho sự thiếu trung thực của bản thân hơn. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy lối ứng xử này khi theo dõi nạn trộm cắp, tham nhũng và gian lận thuế trong xã hội của chúng ta. Trái lại, nghèo khó là một nhân đức, là bày tỏ lòng biết ơn với những gì chúng ta đang có: Tôi nhận thức những thứ bản thân tôi đang hưởng dùng, tôi đón nhận, tôi làm triển nở, tôi chúc tụng Thiên Chúa vì những phúc lành tôi đã lãnh nhận phát xuất từ lòng quảng đại vô biên của Người; và tôi muốn toàn tâm tận hiến đời mình để phục vụ Nước Chúa.[3] Sẽ là một “hố sâu không đáy” cho bất cứ ai khi sống sự nghèo khó mà không cảm nghiệm được nghèo khó là một nhân đức, nó cũng là một lối sống thiêng liêng tập trung vào việc tích luỹ của cải, bởi vì lòng người không đáy. Ngay cả khi tặng cho ai một món quà nào đó, thì chí ít hòn đất ném đi hòn chì ném lại là: một tấm thiệp tri ân, một bài báo, hoặc một kỷ niệm chương ghi ơn… Việc sống nghèo khó có thể dẫn người ta đến một khuynh hướng tự thần thánh hóa chính mình. Trong hoàn cảnh như thế, người ta dễ trở nên kiêu ngạo với cảm thức đầy sự kinh ngạc và đáng tự hào: Tôi sống nghèo, nghĩa là đời sống của tôi tốt lành hơn, gần với lý tưởng hơn, theo sát của Chúa Kitô hơn những người khác. Do đó, người ta dễ phát triển khuynh hướng phán xét tha nhân.
       Vị Hiền Phụ Sốt Mến và những môn đệ đi theo ngài như thánh nữ Clara, cũng như những người kế vị ngài như thánh Bônaventura, và trong thời đại chúng ta là thánh Maximiliannô M. Kolbe, đã hết sức cẩn thận để bảo vệ đời sống của anh em và của huynh đệ đoàn phải thật giản dị và khiêm tốn. Anh em phải công khai sống chứng tá tư cách người môn đệ Chúa Kitô - Đấng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta.[4] Tiểu tử thanh bần thành Assisi không ngừng khuyên nhủ anh em sống cuộc đời khiêm nhu và giản dị, thể hiện qua cung cách anh em làm việc, phục vụ tha nhân, không tích trữ của cải, đi xin của bố thí, chia sẻ với người khác và bày tỏ lòng thương xót. Sau tất cả, Ngài mời gọi anh em: “[…] đừng khinh dể và phê phán những người trang phục xa hoa, sặc sỡ”.[5]
          Thánh Phanxicô trải nghiệm và chiêm ngắm Chúa Kitô nghèo khó và khiêm nhường. Thánh nhân cố gắng bước theo Chúa Kitô. Thánh nhân luôn kết hợp thực tại của đức nghèo khó với thực tại của đức khiêm nhường.[6] Đối với chúng ta, đức khiêm nhường là một món quà mà chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa ban cho. Đó cũng là một nhân đức mà chúng ta cần rèn luyện. Khi nghĩ về nền huấn luyện của chúng ta để sống sự nghèo khó, chúng ta nhận thấy rằng sự khiêm nhường giúp chúng ta khám phá ra sự thật về chính mình: Những khả năng nào mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta mà chúng ta cần phải cần trau dồi để phụng sự Thiên Chúa? Đâu là những tật xấu và tội lỗi của chúng ta? Về những điểm này, chúng ta phải sống hoán cải và không ngừng khẩn cầu Chúa Thánh Thần - Đấng có quyền năng ban sự sống cho “những bộ xương khô” là chính mỗi người chúng ta.[7]
        Trước tiên, chúng ta phải tự huấn luyện bản thân để sống sự nghèo khó. Điều này đòi hỏi chúng ta đứng trước ngưỡng cửa lòng mình để tự vấn bản thân: điều gì chúng ta thực sự cần và điều gì không. Đôi khi chúng ta tích trữ quá nhiều thứ vì nghĩ rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ cần tới nó. Rồi sau đó, khi nhận bài sai đến tu viện khác, anh em phải thuê xe tải để vận chuyển đồ cá nhân. Khi chúng ta biết điều chỉnh hướng nhìn từ những thứ bên ngoài để tập chú vào bản thân mình, chúng ta học được cách để trở nên trung thực và đáng tin cậy hơn, chúng ta cũng như học được cách để làm việc và phục vụ tha nhân, cũng như những gì chúng ta cần tránh vì nó không đem lại ích lợi cho đời sống chúng ta. Một cái nhìn chăm chú trong cầu nguyện như thế sẽ giúp chúng ta nhìn nhận cách đúng đắn về hoàn cảnh hiện tại của mình để lượng giá bản thân một cách rõ ràng, và đó cũng là sức mạnh để chúng ta hành động cách khôn ngoan.

        Việc thiết lập thể thức đời sống để chúng ta sống sự nghèo khó có tầm quan trọng không kém. Thật đáng trân quý khi chung ta có dịp đứng trước cổng Tu viện và xét xem những công việc chúng ta thực hiện: việc nào phụng sự Thiên Chúa và việc nào không. Chúng ta phải xác định rõ việc nào là tốt lành, có khả năng canh tân và mang tính bền vững; cũng như những việc không cần thiết và có thể gây liên luỵ đến người khác.
          Để trưởng thành trong đời sống khó nghèo thì nhà Dòng chúng ta phải có viễn ảnh về sứ vụ loan báo Tin mừng. Các tu viện, toà nhà, tài sản của Dòng cũng như chính bản thân mỗi anh em, đều đóng một vai trò nhất định trong tiến trình đề ra viễn ảnh này. Nếu một anh em hay một tài sản nào đó chưa được tận dụng triệt để cho công cuộc loan báo Tin mừng thì anh em chưa thực sự sống nhân đức nghèo khó. Trong công cuộc truyền giáo, chúng ta nhận thấy rằng nếu chúng ta không vận hành các nhà trẻ, trường học và các phương tiện đưa đón học sinh, chúng ta sẽ không thể cung cấp một nền giáo dục tốt cho trẻ em và thanh thiếu niên mà chúng ta có bổn phận chăm sóc họ. Nếu chúng ta không tạo công ăn việc làm cho mọi người, chúng ta cũng không thể nào cung cấp cho họ những phương tiện cần thiết để họ có thể tự mưu sinh. Cũng vậy, nếu chúng ta không xây những hồ chứa nước, đào giếng, xây dựng nhà thờ và bệnh viện… thì họ cũng sẽ không có các nguồn thu nhập.
         Sống đức nghèo giúp chúng ta loan báo Tin mừng không chỉ cho con người mà còn cho toàn thể công trình sáng tạo theo những cách thế khác nhau. Nhân đức nghèo khó giúp chúng ta trổ sinh hoa trái tốt lành chứ không phải do sự nghèo khó. Những hoa trái này là tốt lành, vì chúng phát xuất từ Đấng là Nguồn Mạch Của Sự Toàn Hảo mà chúng ta muốn dâng trả mọi sự về cho Người.
Fr. Pior Stanislawczyk, OFMConv.
Tổng thư ký đặc trách huấn luyện
 
 

[1] Hiến chương (2019), số 18, §2.
[2] Xc. Gemelli A., Franciszkanizm, Warsaw 1988, pp. 46-47, 83-85.
[3] Xc. Leon-Dufor X., Słownik teologii biblijnej, Poznań 1994, pp. 1000-1001.
[4] Xc. Later Rule VI; FF 89-92. Rule of St. Clare VI; FF 1787-91. Horowski A., Ubóstwo według świętego Bonawentury w Postylli do Ewangelii św. Łukasza, “Polonia Sacra” 20 (2016), nr 1 (42), p. 27. Krzyżak T., Kolbe. Historia życia św. Maksymiliana, Niepokalanów 2011, pp. 129-130.
[5] Hiến chương, chương 2,17; Đường hướng huấn luyện, số 81.
[6] Xc. Iammarrone G, Duchowość franciszkańska, Cracow 1988, pp. 125-126. Iriarte L., Powołanie franciszkańskie, Cracow 1999, pp. 147-148.
[7] Xc. Ez 37, 1-14.