CÔNG CUỘC HUẤN LUYỆN PHAN SINH – NGUỒN HỨNG KHỞI
PHẦN 2: VIỆC HỌC TẬP, GIÁO DỤC VÀ HUẤN LUYỆN
 
Mục tiêu căn bản của việc huấn luyện thường xuyên là canh tân đời sống theo Phúc Âm của anh em và của Hội Dòng. [1]
 
         Hãy tưởng tượng trong một tình huống thực tế tại một tu viện nào đó, các anh em quyết định canh tân đời sống tu trì. Anh em cùng nhau tham dự Tu nghị Cộng đoàn và trình bày cách thức để canh tân lại đời sống của họ. Anh em cùng nhau đọc lại Luật, Hiến Chương và những điều khoản được quy định trong Nội Quy và sau đó, họ mới trình bày những đề nghị trong Tu nghị Cộng đoàn kế tiếp. Khi cùng nhau quy tụ tại Tu nghị Cộng đoàn, anh em tranh luận với nhau. Anh thứ nhất đề nghị họ nên cùng nhau cử hành Giờ Kinh Phụng Vụ. Anh thứ hai mong muốn cử hành Thánh Lễ kết hợp với cử hành Giờ Kinh Phụng Vụ. Anh thứ ba đề nghị anh em thi hành việc bổn phận trong Tu viện vào thời gian thích hợp mà họ chủ động sắp xếp và  anh em phải mặc áo Dòng khi cầu nguyện, ăn uống, làm việc và mục vụ. Anh thứ tư muốn các Tu viện từ bỏ việc sở hữu xe hơi, những đồ dùng không cần thiết, những đồ dùng xa xỉ, và không sử dụng tiền bạc. Còn một anh khác đề nghị anh em từ bỏ việc dùng điện thoại thông minh và máy tính cá nhân của họ và anh em trong Tu viện sẽ dùng chung các thiết bị đó, v.v ...
 
          Có thể nói rằng một Tu viện như thế sẽ kiến tạo một khuôn khổ vững chắc bên ngoài, Một cấu trúc vững chắc mà anh em có thể dựa vào để làm triển nở đời sống thiêng liêng theo một cách thế tuyệt diệu. Các ứng sinh mới đến tìm hiểu ơn gọi Nhà Dòng bị cuốn hút bởi nếp sống của một Tu viện và bởi những chứng tá sống động trong Cộng đoàn của anh em. Tuy vậy, cũng có một số anh em cảm thấy hài lòng với đời sống tốt đẹp của cộng đoàn theo cách nghĩ của anh em và nhận thấy bản thân không sẵn sàng để sống tại các tu viện khác. Anh em tuyên bố rằng những anh em tại các tu viện khác không sống đời tu cách triệt để bằng nếp sống tại tu viện mà anh em đang sống và do đó họ không tìm được một chỗ tại các tu viện khác. Anh em chống đối Các Bề Trên của mình khi bề trên muốn gửi anh em đến những tu viện khác. Rốt cuộc, những anh em này có khuynh hướng tạo nên một nhóm tự lập tách biệt với Huynh đệ đoàn. Tuy nhiên có nhiều nguy cơ tiềm ẩn với đường lối canh tân kiểu này. Nó bao gồm nhiều hình thức khác nhau của chủ nghĩa đắc thắng. Anh em rất dễ rơi vào sự tự mãn khi cho rằng bản thân sống tốt hơn hoặc thánh thiện hơn các anh em khác hay nhóm của anh em có nhiều ơn gọi hơn.[2] Chúng ta có thể nhận biết điều này khởi đi từ lịch sử Dòng chúng ta và nơi những Hội Dòng khác. Tôi thiết nghĩ nhiều anh em vẫn còn nhớ đến lý tưởng về đời sống thiêng liêng này từ những năm đầu của tiến trình huần luyện của anh em. Vào thời điểm đó, có những lúc chúng ta nhìn vào những anh em lớn tuổi trong tu viện và nghĩ rằng họ không hoàn hảo như chúng ta có phải không?
 
         Ngay từ khi mới thành lập, Dòng đã thấm nhuần tinh thần đổi mới. Nếu anh em nhìn vào đời sống của Thánh Phanxicô và các anh em tiên khởi, những Anh Tổng Phục vụ kế vị ngài, chúng ta nhận thấy rằng một trong những điểm đặc thù nơi đời sống của họ là không ngừng khát khao đổi mới tương quan của mình với Chúa Kitô chịu đóng đinh qua đời sống hoán cải. Tuy nhiên, theo thời gian, anh em dường như chú trọng nhiều hơn vào việc thiết lập những cấu trúc bên ngoài khác nhau, những cấu trúc nhằm thể hiện tinh thần quay trở lại việc tuân thủ Luật một cách nhiệt thành hơn. Điều này này lôi cuốn chúng ta vào một khuynh hướng xác định: Khi chúng ta quên đi cùng đích đời sống tu trì là thuộc trọn về Chúa Kitô chứ không chỉ đơn thuần là việc tuân giữ những luật lệ và bổn phận phải có trong đời sống. Chúng ta bắt đầu kiến thiết lại đời sống chung “theo cách riêng của chúng ta” cho chính mình và cho anh em. Đây cũng là cách lịch sự được tái hiện: Chúng ta khởi đi từ lòng nhiệt thành và đầy sốt mến, rồi phải đối diện với những cuộc tranh luận và cuộc khủng hoảng, và các văn kiện mới từ đó được ra đời rồi cho đến những công cuộc canh tân không ngừng xuất hiện hoặc thay vào đó là sự lụi tàn của những cộng đoàn già cỗi.  
 
         Một cấu trúc chắc chắn là cần thiết và hữu ích cho đời sống chung. Tuy nhiên, trong đời sống của chính mình, anh em phải nỗ lực củng cố sức mạnh nội tại dựa trên cấu trúc đó, để anh em trở thành một con người trưởng thành vượt qua những khó khăn thử thách khi không có sự giúp đỡ của các thiết chế và luật lệ. Đôi khi chúng ta nhận thấy rằng những anh em nhiệt thành trong giai đoạn huấn luyện khởi đầu thường có khuynh hướng rời bỏ đời sống tu trì cách nhanh chóng khi họ không có thời gian để cầu nguyện, tĩnh tâm hay nguyện ngẫm. “Con người tựa như một cây nho” là cách diễn tả thích hợp về những anh em rơi vào hoàn cảnh này. Cây nho sẽ vươn cao khi thân của nó được buộc chặt vào một cái cọc làm điểm tựa thân cây. Ngược lại, cây nho sẽ bị đổ khi cái cọc bị nhổ. Cũng vậy, khi anh em bước vào đời sống tu trì, anh em vẫn còn chịu sự chi phối từ những tác nhân bên ngoài. Anh em cần trau dồi kiến thức, kỹ năng và tích luỹ những kinh nghiệm phù hợp. Anh em có chương trình cụ thể để học tập, được huấn luyện để cư xử đúng mực, cũng như được đào tạo để chìm sâu trong mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Tuy nhiên, sau giai đoạn huấn luyện khởi đầu, anh em được đặt để vào các sứ vụ và các tình huống mà cấu trúc của Dòng dù được thiết lập cách lý tưởng như thế vẫn không thể đáp ứng hết được. Do đó, anh em cần phải dựa vào cấu trúc được củng cố từ bên trong, một cấu trúc mà chúng ta có thể dùng một từ ngữ để diễn tả, đó là: “tự thân”. Nghĩa là anh em tiếp tục công cuộc đào tạo để tự phát triển bản thân thông qua việc tự học, tự giáo dục và tự huấn luyện. Yếu tố này trở thành một nội dung thật sống động trong đời sống hoán cải của chúng ta. Nó làm tươi mới tinh thần của chúng ta và  góp phần vào công cuộc tân Phúc âm hoá đời sống của chính anh em, nhờ đó có thể canh tân đời sống của các anh em khác và toàn thể Hội Dòng[3]
 
Fr. Pior Stanislawczyk, OFMConv.
Tổng thư ký đặc trách huấn luyện
 
 
 
 
[1] Hiến chương (2019), số 176.
[2] Xc. Pope Francis, Prado Fernando, The Strength of Vocation: Consecrated Life Today, USCCB 2018, p.83-85.
[3] Xc. Timothy Kulbicki, OFMConv., Robert M. Lezohupski, OFMConv., Commentary on the New and Revised Constitutions. Order of Friars Minor Conventual, Niepokalanow 2020, p.297.