CÔNG CUỘC HUẤN LUYỆN PHAN SINH – NGUỒN HỨNG KHỞI
Lời giới thiệu

 
          Anh em thân mến,
        Tôi muốn chia sẻ với anh em một số suy tư về những chủ đề khác nhau liên quan đến việc huấn luyện Phan sinh. Thỉnh thoảng chúng ta đọc những tin tức nào đó và nó đưa lại cho chúng ta sự chọn lựa đồng thuận hay không đồng thuận với những thông tin mà chúng ta đã tiếp nhận. Tuy nhiên, những thông tin ấy khiến chúng ta phản tỉnh và đưa ra những lựa chọn đúng đắn trong cuộc sống. Vì thế, những bài suy niệm này rất hữu ích cho công cuộc huấn luyện của Dòng chúng ta. Xin anh em đón nhận những suy tư này với một tâm hồn cởi mở. Với mục đích khơi lên nơi tâm hồn anh em những cảm nghiệm mang tính cá vị, nhờ đó, anh em ngày càng triển nở những cung cách ứng xử giúp anh em bước theo dấu chân vị Hiền Phụ Sốt Mến cách sát hơn.
Fr. Pior Stanislawczyk, OFMConv.
Tổng thư ký đặc trách huấn luyện
 
PHẦN 1: TIẾN GẦN ĐẾN MIỀN ĐẤT DÀNH CHO KẺ SỐNG
 
        “Huấn luyện … là tham gia vào công việc của Thiên Chúa Cha, qua Chúa Thánh Thần, Chúa Cha phát huy trong lòng người trẻ những tâm tình Người Con”.[1]

          Nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ lần đầu tham gia một chuyến leo núi. Lúc đầu, mỗi anh em phải gắng sức rất nhiều. Ngay cả những đoạn đường ngắn, chúng ta cũng phải mang theo gậy đi đường, chút thức ăn và nước uống. Thi thoảng chúng ta sẽ nghỉ mệt, uống nước và giải lao. Sau đó, chúng ta trở về nhà – và cuộc sống của chúng ta như thể bắt đầu lại từ đầu – nhưng trong chúng ta đã có điều gì đó thay đổi. Những lần nghỉ mệt là điều cần thiết để chúng ta có thể tiếp tục với những đoạn đường dài phía trước. Và nó trở thành một phần không thể thiếu trên hành trình leo núi. Từ đó, chúng ta đã tích luỹ thêm kinh nghiệm để leo núi tốt hơn trên những địa hình khó khăn. Khi chúng ta không chùn bước vì mệt mỏi cũng như tiếp tục leo núi thường xuyên hơn, chúng ta nhận thấy rằng bản thân trở nên dẻo dai hơn. Chúng ta cũng không cần chuẩn bị đồ ăn nhẹ hay hành trang cần thiết cho những chuyến leo núi có khoảng cách ngắn nữa. Chúng ta bắt đầu chinh phục những ngọn núi cao hơn, ghập ghềnh hơn. Theo thời gian, chúng ta biết cách chuẩn bị những loại trang phục, giày dép và hành trang cần thiết để chinh phục những cung đường dài hơn và cao hơn. Chúng ta ngày càng có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm hơn. Điều đó cũng trở nên dễ dàng hơn cho chúng ta trong việc hướng dẫn người khác cần chuẩn bị và làm những gì trên hành leo núi.

          Ví dụ trên nhằm minh chứng cho lối sống mà chúng ta chọn bước theo. Đời sống của chúng ta như một hành trình leo núi. Chúng ta cảm thấy ấm áp và dễ chịu khi sống trong cộng đoàn. Chúng ta thường thích ở lại trong trạng thái này. Tuy nhiên, nếu đó là tất cả những gì chúng ta làm thì việc nỗ lực để thực hiện một cuộc leo núi sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn. Chúng ta không ngừng bị cám dỗ bởi những suy nghĩ như: “Tôi chẳng muốn làm việc này chút nào cả. Có lẽ là tôi nên chờ thời cơ tốt hơn hay có một người anh em đồng hành lý tưởng hơn”. Một số người sống trên núi, họ ngồi trước hiên nhà thật ấm cúng và nói rằng: “Tại sao lại phải leo núi? Sau tất cả, bạn cũng có thể nhìn thấy chúng từ đây”. Rất có thể mỗi chúng ta đều sở hữu “căn phòng ấm áp” của riêng mình. Căn phòng đó trông thế nào? Vì sao chúng ta cứ ở lỳ trong đó? Chỉ khi thực hành việc “đi ra khỏi căn phòng”, chúng ta mới thực sự trở thành những người hướng dẫn cho người khác. “Việc rời khỏi nơi an toàn” cho chúng ta cơ hội trải nghiệm mọi thứ từ một viễn cảnh gần hơn với thiên đàng. Cũng vậy, trong đời sống tâm linh “viễn cảnh gần hơn với thiên đàng” này có nghĩa là chúng ta liên tục học cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động như Chúa Giêsu. Để thực hiện được việc này, chúng ta phải nỗ lực không ngừng để “rời khỏi nơi an toàn”.
 
        Làm cách nào chúng ta có thể chuyển hóa điều này trở thành điều gì đó cụ thể trong đời sống hàng ngày của chúng ta? Vị Hiền Phụ Sốt Mến của chúng ta là một người yêu mến việc rời khỏi nơi an toàn đã nhắn nhủ với anh em của ngài rằng: “[…] trên hết mọi sự, phải ao ước được Thần Khí Chúa ở lại và tác động cách thánh thiện nơi mình”.[2] Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường thờ ơ và coi thường những vấn đề thiêng liêng. Việc khẩn cầu Chúa Thánh Thần mỗi ngày hiện diện trong cuộc sống của chúng ta chính là một khởi đầu mới thật tốt đẹp. Nhờ lời khẩn cầu rất riêng tư này, chúng ta bắt đầu biết cậy trông vào Đấng biến đổi chúng ta từ bên trong. Hãy khẩn cầu Người thanh luyện con mắt tâm hồn chúng ta, cũng như nhắc nhở chúng ta về những ước muốn khi gia nhập Huynh Đệ Đoàn Phan Sinh.   

 
[1] Tông huấn Vita Consecrata – Gioan Phaolô II, số 66; Hiến chương (2019), số 129.
[2] Luật có sắc chỉ, chương X, câu 8; Đường hướng huấn luyện, số 104.