Trưởng thành trong tình anh em
“Tốt nghiệp phổ thông thì tôi xin tìm hiểu ơn gọi Dòng Phanxicô Viện Tu. Lúc ấy, chính cách sống chan hòa như người thân trong nhà của các đàn anh là nguyên nhân khiến tôi cũng như nhiều bạn khác quyết tâm sống linh đạo Phanxicô Viện Tu cho đến hôm nay”, tu sĩ Giuse Lê Văn Vượng nói với chúng tôi về mối duyên với nhà dòng. Lúc nghe chúng tôi hỏi thăm về dòng, một giáo dân thuộc giáo xứ Tam Hà (TGP.TPHCM), nơi có Tu viện Thánh Antôn - Học viện của dòng kể: “Lúc nào gặp các cha, các thầy, tôi đều thấy họ vui vẻ, làm cho mình cũng có tâm trạng tốt hơn, dù nhiều khi đang có chuyện khó chịu trong lòng”. Tình huynh đệ và niềm vui, hai khái niệm nghe có vẻ giản đơn nhưng để lý giải được thì cần có sự tiếp xúc, cảm nghiệm từ thực tế.
Lễ truyền chức linh mục và phó tế của dòng năm 2017 tại giáo xứ Sơn Lộc (GP Phú Cường) - ảnh: giaophanphucuong.org |
Liên hệ xin lịch hẹn để ghé thăm dòng vào một ngày cuối tuần, chúng tôi được vị linh mục tiếp nhận dặn đi dặn lại rằng, khi đến một địa điểm gần đó thì gọi cha ra đón vì đường đi vào tu viện nhiều ngóc ngách quanh co. Cảm giác đầu tiên vẫn là bầu khí thanh bình như ở bao tu viện khác. Song, nếu đến và ở lại dùng cơm trưa cùng các tu sĩ thì khách ghé thăm sẽ nhận ra đây là một gia đình lớn, nơi không có thứ bậc, không có “bề trên” hay “bề dưới”, mà chỉ còn lại là anh em chung nhà. Bữa ăn là thời điểm các tu sĩ trao đổi với nhau về những điều mình gặp trong ngày, về những câu chuyện khi gặp gỡ, giúp đỡ tha nhân, đồng thời cũng là dịp để học hỏi lẫn nhau và làm tăng thêm tình huynh đệ.
Chuẩn bị mang nồi cháo tình thương đến với bệnh nhân nghèo - ảnh: dòng cung cấp |
Sống đời tu trì của họ không chỉ là chuyên tâm cầu nguyện mà còn là sống với mọi người. “Ai cũng có cá tính riêng, có khuyết điểm nhưng đều phải biết tự mài mòn bản thân để sống cùng anh em. Chúng tôi luôn hiểu rằng, sự trưởng thành của mình nằm trong sự trưởng thành của anh em. Thế nên, huấn luyện bản thân là một khía cạnh quan trọng. Đối xử tốt với anh em trong nhà thì khi đi ra ngoài mới hoạt động tốt được”, tu sĩ Giuse Nguyễn Chính Luật tâm đắc.
Gần gũi với giáo dân
Theo chân thánh Phanxicô, các tu sĩ lựa chọn người nghèo làm đối tượng hướng đến. Ngoài việc học tập, họ dành thời gian cuối tuần để đến với những người khó khăn, có khi mang theo ít quà, có lúc chỉ là đến chuyện trò. Đều đặn mỗi thứ 7, các tu sĩ lại cùng nhau nấu cháo, làm bánh mì rồi mang đến bệnh viện, các cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm… để phân phát. Bằng tất cả khả năng của mình, họ mong làm người bạn đồng hành với người đau khổ trong bộn bề lo toan cuộc sống. “Mục vụ bác ái cũng là một cách rèn luyện thực tế cho các thầy để hiểu, thấu cảm với tha nhân và học được tinh thần sống của thánh tổ phụ”, linh mục Phêrô Vũ Bình Quốc, đặc trách ơn gọi của dòng cho biết. Một tu sĩ đã từng phục vụ tại cộng đoàn Văn Môn (Thái Bình), nơi có trại phong cùng tên, tâm sự với chúng tôi rằng, khi làm việc phục vụ, giúp đỡ những người yếu thế, thầy cảm thấy Chúa ban cho mình quá nhiều và cảm tạ Ngài vì đã cho cơ hội đến với tha nhân. Với thầy, ơn gọi tu trì đơn sơ như thế thôi.
Chia sẻ chiếc bánh cho người khó khăn - ảnh: dòng cung cấp |
Có nhiều thanh niên trẻ chưa biết tường tận về linh đạo, tôn chỉ, phương châm hoạt động của dòng nhưng vẫn đến xin tìm hiểu và ở lại vì nhìn thấy các tu sĩ luôn sẵn lòng giúp người với nét mặt tươi vui. “Đó là phương pháp chúng tôi giới thiệu về dòng. Chúng tôi muốn đem tu viện đến gần người giáo dân hơn để họ nhìn và hiểu cách chúng tôi sống. Từ đó, ơn gọi sẽ đến”, cha bề trên miền dòng Việt Nam Giuse Vũ Văn Lực chia sẻ. Thật vậy, dù còn mới lạ với rất nhiều Kitô hữu Việt nhưng mỗi năm đều có khoảng 20 người đến tìm hiểu và một số trở thành thỉnh sinh. Con số trên chẳng phải là nhiều song cũng minh chứng phần nào sức thu hút và tiềm năng phát triển của một hội dòng còn lạ lẫm ở Việt Nam. Dù đang ở bước đầu xây dựng, nhưng lối sống, cung cách hoạt động cụ thể của từng tu sĩ sẽ làm cho dòng thêm lớn mạnh cùng thời gian.
Nguồn: http://www.cgvdt.vn/