Trong bức thư này, các Tổng Phục Vụ mời gọi toàn thể gia đình Phan Sinh trở nên chứng tá cách sáng tạo cho đoàn sủng gia đình Phan Sinh thông qua các sự kiện cụ thể, đặc biệt trong các cử hành Năm Thánh Phan Sinh. Hơn thế nữa, các cử hành này phải kiến tạo mối liên kết giữa giáo dân và tu sĩ, một mối tương quan trổ sinh hoa trái mà chính Thánh Phan-xi-cô hằng mong ước nhờ ơn thúc bách của Chúa Thánh Thần. Các Tổng Phục Vụ cùng chỉ ra việc trợ giúp tinh thần cho dòng Phan Sinh Tại Thế và Giới Trẻ Phan Sinh là một phần trong ơn gọi Phan Sinh; chính vì thế cử hành 800 năm các sự kiện trong gia đình Phan Sinh là cơ hội tốt đẹp gợi nhắc mối dây liên kết giữa dòng Nhất và dòng Phan Sinh Tại Thế. Sau đây là nội dung bức thư:
 
Rô-ma, ngày 19 tháng 03 năm 2024
Lễ Trọng kính Thánh Cả Giu-se
 
Kính thưa Anh Em dòng Nhất và dòng Ba Tại Viện,
Xin Chúa tuôn đổ bình ban cho tất cả anh em!

Các sự kiện mừng Năm Thánh Phan Sinh mà chúng ta đang cừ hành mời gọi toàn thể gia đình Phan Sinh trở nên chứng tá niềm vui cho đoàn sủng Phan Sinh chúng ta; các sự kiện cùng các sáng kiến giúp chúng ta có cơ hội phát huy tính hòa hợp tinh thần Phan Sinh dù chúng ta ở bất cứ đâu.
Sức mạnh hiệp lực giữa giáo dân và tu sĩ là yếu tố đặc biệt ý nghĩa, trở nên dấu chỉ cả trong Giáo Hội lẫn xã hội. Dưới nhãn quan Phan Sinh, sự phong phú này là hoa trái của tính sáng tạo do ơn Thánh Thần thúc đẩy; nhờ vậy, thánh Phan-xi-cô hằng ấp ủ nó không chỉ nơi dòng Nhất, được nuôi dưỡng nơi dòng Nhì, mà còn nơi các anh chị em sống đời đền tội.
Sau tiến trình lịch sử lâu dài, vừa phong phú vừa phức tạp, dù trong mối tương quan tinh thần hay thể chế giữa giáo dân và các tu sĩ Phan Sinh, ngày nay các anh em dòng Nhất và dòng Ba Tại Viện tự mình nhận ra lời mời gọi của Giáo Hội là hiến thân chăm sóc mục vụ và hỗ trợ tinh thần cho các huynh đệ đoàn của dòng Phan Sinh Tại Thế, “nhờ thuộc về cùng một gia đình thiêng liêng” (Hiến Pháp dòng  OFS 1,4).
Vì thế, việc trợ giúp tinh thần cho anh chị em dòng Phan Sinh Tại Thế và Giới Trẻ Phan Sinh là một phần trong ơn gọi Phan Sinh chúng ta. Chúng ta tin rằng việc cử hành Năm Thánh các sự kiện Phan Sinh là cơ hội tốt để ghi khắc những cam kết ràng buộc giữa chúng ta với anh chị em Phan Sinh Tại Thế với sứ mạng được Giáo Hội trao phó - đó là hỗ trợ và đồng hành với họ. Chúng ta vui mừng khi biết rằng tại nhiều quốc gia, anh em đã thực sự quan tâm đến anh chị em Phan Sinh Tại Thế; tuy nhiên trong các lĩnh vực khác, chúng ta vẫn thấy còn chút thờ ơ và thiếu quan tâm. Dịp cử hành các sự kiện 800 năm các biến cố Phan Sinh thúc giục chúng ta tái khám phá mạnh mẽ đặc sủng chúng ta, đó là cơ hội tuyệt hảo để gợi lên động lực mới trong việc hỗ trợ tinh thần và mục vụ cho anh chị em Phan Sinh Tại Thế và Giới Trẻ Phan Sinh, cũng như lượng giá lại mối tương quan giữa tất cả thành viên trong đại gia đình Phan Sinh. Vì thế, đây là lời mời gọi anh em dòng Nhất và dòng Ba Tại Viện canh tân việc hỗ trợ tinh thần và mục vụ đầy quý báu không thể thiếu này, mà việc này lại được Giáo Hội ủy thác cho chúng ta, với tâm tình con thảo, như Hiến Pháp của mỗi dòng.
Chúng tôi phải thừa nhận rằng có nhiều lý do (một số lý do có cơ sở) khiến chúng ta mệt mỏi hoặc bất mãn khi thực hiện sứ vụ trợ giúp này nhưng chúng tôi muốn nhắc lại lần nữa tầm quan trọng của việc vượt qua thái độ chủ nghĩa cá nhân; chính thái độ này khiến chúng ta khép kín tương quan trong dòng chúng ta mà thôi, đồng thời làm mất đi các mối tương quan phong phú giữa chúng ta với toàn thể gia đình Phan Sinh nói chung. Chúng ta nên tự nhắc mình rằng “việc hồi sinh các huynh đệ đoàn tại thế đi đôi với hành trình tiến bước của chúng ta” đặc biệt trong thời điểm Giáo Hội đang sống cam kết hiệp hành cùng nhau như một “Giáo Hội mở ra”.
Một cuộc khảo sát trong dòng Nhất cho thấy một số khu vực thiếu thốn các anh em có thể đảm nhận vai trò trợ úy tinh thần; ở những nơi khác lại thiếu các anh em được huấn luyện hoặc thiếu quan tâm cho việc này. Đôi khi, những anh em đảm trách công việc này ở cấp quốc gia không làm việc với các anh em khác trong Hội đồng Trợ úy quốc gia, dẫn đến tình trạng thiếu quan tâm đến sự hiệp nhất giữa dòng Phan Sinh Tại Thế và Giới Trẻ Phan Sinh. Về vấn đề này, chúng tôi muốn nhắc lại những điều mà các Tổng phục vụ tiền nhiệm viết cho các Giám tỉnh và Giám phụ tỉnh năm 2009 như sau:
“Điều mà chúng tôi rất coi trọng đó là tính đồng đoàn trong việc trợ giúp tinh thần cho huynh đệ đoàn Phan Sinh Tại Thế và Giới Trẻ Phan Sinh từ cấp trung ương đến địa phương. Trước hết, tính đồng đoàn đem lại cơ hội quý giá để anh em cộng tác với nhau trong lĩnh vực trợ giúp tinh thần, đồng thời trở nên dấu chỉ cụ thể về tình huynh đệ mà dòng Nhất và dòng Ba Tại Viện dành cho dòng Phan Sinh Tại Thế và Giới Trẻ Phan Sinh”.
Việc đào tạo Trợ Úy tinh thần ở các cấp là một thách thức, mời gọi chúng ta đáp trả cách ý nghĩa và hướng đến tương lai, học cách cùng nhau làm việc giữa các anh em dòng Nhất. Như đã nêu trong điều 89.4 của Tổng Hiến Chương của Phan Sinh Tại Thế, nơi nào thiếu các tu sĩ dòng Nhất trợ giúp tinh thần cho anh chị em OFS và Youfra, các Tổng phục vụ có thể “giao phó việc hỗ trợ tinh thần cho những thành phần sau đây:
  1. Nam hoặc nữ tu thuộc các tu hội Phan Sinh khác.
  2. Các giáo sĩ triều hoặc những thành viên Phan Sinh Tại Thế được chuẩn bị cách đặc biệt cho trách nhiệm này.
  3. Các giáo sĩ triều khác hoặc các tu sĩ không thuộc tu hội Phan Sinh.
Để đem lại hiệu quả, việc đào tạo không chỉ dành cho các tu sĩ nhưng còn dành cho giáo dân, để đào sâu mối tương quan giữa hai bên theo cách thức vừa hiện tại vừa ý nghĩa. Chúng ta phải ý thức rằng khi chúng ta chia sẻ cùng cội rễ chúng ta có thể xây dựng những nẻo đường phát triểu vì lợi ích chung của chính chúng ta và của Giáo Hội thông qua sự hiểu biết lẫn nhau và trân trọng căn tính và nét độc đáo nơi ơn gọi của mỗi người.
Về quyền tự trị được đề cập trong Cẩm Nang dành cho Trợ Úy (Chương II, điều 6.2 và 6.3), các Trợ úy tinh thần phải tôn trọng quyền này cách cẩn trọng để nuôi dưỡng sự sống, sự hiệp thông lẫn nhau và hòa hợp huynh đệ.
Hơn nữa, để việc trợ giúp tinh thần sinh ích lợi, cần phải luôn ghi nhớ ơn gọi, sứ mệnh và đoàn sủng chung của chúng ta. Nếu khởi đi từ điều này, hẳn chúng ta sẽ thấy mối tương liên “mang lại sự sống và hiệp thông lẫn nhau” được tái khẳng định, chúng ta hiểu rằng việc trợ giúp OFS và Youfra đòi hỏi “mối tương quan huynh đệ giữa các thành viên trong gia đình Phan Sinh”, đồng thời đòi hỏi các tu sĩ phải “biết, yêu thương và trợ giúp OFS và Youfra”, để họ có thể sống trọn vẹn ơn gọi của mình. Trong ý thức sống mối tương quan này, người tu sĩ có thêm kinh nghiệm mới về việc được mời gọi đóng góp nỗ lực tinh thần và tông đồ với các thành phần khác trong đại gia đình Phan Sinh và với dòng Phan Sinh Tại Thế và Giới Trẻ Phan Sinh.
Nhờ các cử hành trong Năm Thánh Phan Sinh, chúng ta có cơ hội đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về đoàn sủng Phan Sinh, đồng thời làm nảy sinh trong lòng mình ước muốn sâu xa củng cố mối dây đoàn kết và ý thức thuộc về một đại gia đình. Đó là việc vun trồng các mối tương quan nhằm gia tăng ước muốn chia sẻ cùng một đoàn sủng, cũng như bước theo và bắt chước Đức Giê-su Ki-tô theo dấu chân của thánh Phan-xi-cô Assisi, tổ phụ chúng ta.
Theo lời mời gọi phục vụ Giáo Hội, chúng ta đừng chỉ nhìn vào dòng chúng ta, nhưng hãy nhìn vào bề rộng của ơn gọi Phan Sinh, như động lực thúc đẩy Phanxicô thốt lên sau khi nghe đoạn Tin Mừng về việc các môn đệ được sai đi như sau “đây là điều tôi muốn, là điều tôi khao khát và ao ước hiện thực nó..”. Phanxico chăm sóc Giáo Hội và xã hội cách chu đáo bằng việc loan báo Tin Mừng bình an khắp mọi nơi. Chúng ta có thể thực hiện điều này cách hiệu quả nếu chúng ta liên kết lại với nhau, cùng trong một trực giác lấy Luật dòng làm nền tảng cho đời sống (mà chúng ta vừa kỉ niệm 800 năm phê chuẩn bản luật), cũng như Luật dòng Ba Tại Viện và Phan Sinh Tại Thế.
Chúng tôi cám ơn anh em vì nỗ lực đổi mới lời cam kết phục vụ anh chị em Phan Sinh Tại Thế và Giới Trẻ Phan Sinh, chúng tôi gửi đến anh em lời chúc Bình An và Thiện Hảo.
Trong tình huynh đệ,
Các Tổng Phục Vụ dòng Nhất và dòng Ba Tại Viện đã kí,
Nguồn: ofmconv.net
Chuyển ngữ: BTT Phụ tỉnh Việt Nam