“Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra,
như Chúa đã tỏ cho ta biết”
          Thánh Phanxicô gọi đêm Giáng Sinh là “đêm của các đêm, đêm bất thường, một đêm mang ý nghĩa huyền diệu”. Lễ Giáng Sinh gọi là “Mẹ của các lễ”. Có thể nói, đêm Giáng Sinh không còn là một đêm bình thường như bao đêm khác mà là đêm cực thánh. Cái đêm mà Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ. Làm thế nào mà Thánh Phanxicô cảm được niềm vui lớn lao của biến cố Giáng Sinh? Kinh nghiệm về niềm vui của Thánh Phanxicô và các anh em của ngày trong ngày lễ Giáng sinh tại Greccio là gì?
           Để hiểu được kinh nghiệm của Thánh Phanxicô, trước hết chúng ta cần có một cái nhìn về di sản của Giáo hội sơ khai. Giáo hội sơ khai cho đến thời của Thánh Phanxicô chú trọng đến thần tính của Đức Giêsu.
Suốt 10 thế kỷ, các Kitô hữu đã nhìn đến Đức Kitô như là Thiên Chúa chứ không phải như là người phàm; họ chú tâm đến phẩm giá siêu việt của Người hơn là tính chất nội thế của Người, chú tâm đến Ngôi Lời tạo dựng và vị thẩm phán tối cao hơn là đến người bạn đường, con người gương mẫu, người an ủi và bạn thân… Trong các nghi thức của Giáo Hội sơ khai cho đến các thế kỷ X và XI, không có một yếu tố nào biểu lộ tình cảm trìu mến rung lên trong tâm hồn người tín hữu khi nhắc đến biến cố Thiên Chúa Giáng Sinh làm người, hoặc biểu lộ tình cảm ưu phiền sầu não dày vò tâm hồn ấy khi nhớ đến cuộc khổ nạn[1].
          Nhận định trên cho chung ta thấy dường như chiều kích nhân học về nhân tính của Đức Giêsu bị lãng quên trong quảng thời gian này.
          Biến cố Giáng Sinh là một biến cố không thể bỏ qua trong cuộc đời của thánh Phanxicô. Muốn thông hiểu về sự khiêm hạ của Thiên Chúa trong biến cố Nhập Thể, chúng ta phải đọc lại câu chuyện Giáng Sinh tại Grecciô. Mười lăm ngày trước lễ Giáng Sinh, Phanxicô dặn dò một người tên là Gioan như sau:
Nếu ngài muốn chúng ta cử hành thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh sắp tới tại Grecciô, ngài nên mau đi trước chuẩn bị và cẩn thận những điều tôi dặn đây. Tôi ao ước diễn lại kỷ niệm về hài nhi sinh ra ở Bêlem và lấy đôi mắt trần của tôi nhìn xem đến mức tối đa các nỗi khó khăn túng thiếu của con trẻ, cảnh em bé nằm trong máng cỏ, ngủ trên cỏ khô, giữa một con bò và một con lừa.
(1Cel 84)
            Khi ngày Giáng Sinh đến, Phanxicô đến và những gì ngài nhìn thấy khiến ngài rất vui mừng.
Người ta đã đặt một máng cỏ với cỏ khô, đã dắt đến một con bò và một con lừa. Tại đấy, đức đơn sơ được tôn vinh, đức khiêm hạ được tán dương, và Grecciô đã gần như trở thành một Bêlem mới […] Lời giảng của Phanxicô cho những người đứng chung quanh như tuôn ra mật ngọt về sự hạ sinh của một vị Vua khó nghèo tại một thị trấn Bethlehem khó nghèo.
(1Cel 85-86)
           Qua sự kiện đó chúng ta thấy rằng Phanxicô rất ý thức việc Thiên Chúa đã nhập thể tại thành Bêlem một cách âm thầm, khiêm hạ và hầu như không được biết đến. Các sách Tin Mừng kể lại những kẻ chăn chiên, là những nhân vật đầu tiên đến thăm Đức Mẹ và Con Trẻ. Hầu hết dân Do Thái thời Đức Giêsu coi thường và khinh dể người chăn chiên. Kẻ chăn chiên không có địa vị quan trọng gì trong xã hội Do thái. Nói chung là thế giới Do thái ở Palestine dửng dưng và không có một nhìn nhận chính thức nào về biến cố Con Thiên Chúa làm người[2]. Sự kiện hạ sinh Con Thiên Chúa không chỉ bị lãng quên và dửng dưng trong thế kỷ thứ nhất mà thôi nhưng việc lãng quên đó còn được Sử gia Celanô nhận định rằng “Hài Nhi Giêsu đã bị chìm vào quên lãng trong lòng nhiều người” thời bấy giờ. Nay, chính sự kiện tại Grecciô, Tôi tớ Thánh thiện của Thiên Chúa là Phanxicô, Hài Nhi lại được đánh thức[3].
          Việc thánh Phanxicô gợi lại biến cố Nhập Thể không phải chỉ là những diễn biến bên ngoài của sự kiện đó. Nhưng sâu xa hơn chính là sự cảm nhận của thánh Phanxicô về tình yêu của Chúa Cha dành cho loài người, biểu lộ nơi sự khiêm hạ của Con Thiên Chúa làm người. Điều đó được diễn tả trong Di Cảo như sau:
Chúa Cha cao cả trên trời đã sai thánh thiên thần Gáprien đến báo tin: Ngôi Lời chí tôn, chí thánh, chí vinh của Người sẽ ngự đến trong lòng Đức Trinh Nữ Maria thánh thiện và hiển vinh; và từ lòng Đức Trinh nữ, Ngôi Lời đã nhận lấy xác phàm đích thực của loài người yếu hèn chúng ta. Vốn giàu sang phú quí, Người vẫn muốn chọn nếp sống nghèo khó ở trần gian này cùng với Đức Trinh Nữ chí thánh, thân mẫu Người.
(2TTh 4-5)
          Thánh Phanxicô chiêm ngắm sự khiêm hạ của Thiên Chúa nơi hai khía cạnh đối nghịch tột cùng trong Đức Giêsu Kitô. Một bên là phẩm giá cao quý vinh quang của thiên tính nơi Ngôi Lời bên kia là sự yếu hèn của nhân loại. Tất cả chủ ý của thánh Phanxicô là diễn tả sự khiêm hạ của Ngôi Lời của Chúa Cha đã từ bỏ giàu sang phú quý của địa vị thần linh của mình để mặc lấy nếp sống nghèo khó nhân loại. Điều này cũng được Joseph Ratzingger nhận định: “Logos, thần trí sáng tạo vạn vật, đi vào trần gian. Logos vĩnh cửu hóa thành con người, và thuộc vào bối cảnh của không gian và thời gian[4].
          Thánh Phanxicô đã cố ý đặt đối nghịch địa vị rất thánh của hài nhi với tình cảnh nghèo khó khi sinh ra: sinh ra trên đường đi, và được đặt trong máng cỏ (x. Lc 2, 1-7). Khi chiêm ngắm Đức Giêsu nghèo hèn trong máng cỏ, thánh Phanxicô không hề quên rằng chính “vì chúng ta” (x. 2TTh, 11) mà Hài Nhi ấy đã vâng theo thánh ý Cha và thực hiện việc hạ mình đi xuống. “Chúa Cha chí thánh trên trời, Vua chúng ta từ trước muôn thế kỷ, từ trời cao đã gửi Con yêu dấu của Người” (KVQXV, 7). Đối với thánh Phanxicô, tâm trí ngài luôn thấy mối liên kết giữa sự cao cả của Cha với việc Người bày tỏ tình thương yêu khi phái Con của Người đến trần gian.
         Như thế, điều đánh động thánh Phanxicô trước hết không phải là biến cố bên ngoài của cuộc đời Đức Giêsu, nhưng là việc tự hủy, là tình yêu thúc đẩy Chúa Con rời bỏ vinh quang thượng giới để đến sống đời nghèo khó giữa loài người. Thánh Phanxicô tập trung vào bản chất sự kiện Nhập Thể hơn là vào các diễn biến trong cuộc đời của Đức Kitô[5].
          Qua đó chúng ta thấy rằng việc Nhập Thể là một động thái khiêm hạ đi xuống mà Ngôi Lời của Chúa Cha đã thực hiện khi rời bỏ vinh quang thiên quốc để làm người nghèo giữa loài người. Qua sự khiêm hạ của Đức Giêsu, Ngôi Lời đã sống theo cách sống của con người, chia sẻ thân phận thế trần, hít thở không khí của chúng ta và hòa trộn với mọi hạng người. Chính Phanxicô đã học được sự khiêm hạ này từ nơi Chúa Kitô như thánh Bônaventura đã nhận định:
          Theo cách học từ nơi Chúa Kitô, như một kiến trúc sư lành nghề đặt nền móng cho ngôi nhà, ngài ra sức xây dựng bản thân trên nhân đức ấy. Ngài thường nói chính vì khiêm hạ mà con Thiên Chúa đã từ cung lòng cao cả của Chúa Cha hạ mình xuống tận thân phận thấp hèn của chúng ta, và qua đó, đấng là Chúa và là Thầy của chúngta đã dạy đức khiêm nhường bằng cả gương sáng và lời nói[6].
          Do đó người Phan Sinh phải học để nói về Thiên Chúa, sao cho con người tăng trưởng theo chiều hướng Thiên Chúa cao cả lớn lao, con người cảm thấy lớn lên, không phải nhỏ đi và coi nhẹ. Tuy nhiên con người phải tương ứng với bản chất, khiêm hạ mời gọi khiêm hạ. Khiêm hạ là đường Thiên Chúa đến với con người, khiêm hạ cũng là đường con người đến với Thiên Chúa.
          Phanxicô thường nhắc lại với suy niệm thường xuyên lời của Đức Kitô cũng như hồi tưởng hành động của người với sự nhận thức chú tâm nhất. Quả thật sự khiêm hạcủa Con Thiên Chúa được thánh Phanxicô nhìn trong toàn bộ mầu nhiệm tự hủy của Đức Giêsu Kitô. Nhưng có thể nói sự khiêm hạ đó đạt tới đỉnh điểm trong biến cố Vượt qua. Biến cố này vừa tỏ lộ viễn tượng về cuộc đời Đức Giêsu, vừa là tiêu chuẩn đặc thù để hiểu sự khiêm hạ của Ngài. Trong biến cố đó Đức Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trần trụi trên thập giá.
Phêrô Hoàng Thành Đông, OFMConv.

[1]NGUYỄN VĂN KHANH, Chúa Giêsu Kitô trong tư tưởng Thánh Phanxicô Assisi, tr. 67.
[2]x. KENAN B. OSBORNE, Truyền thống học thuật Phan Sinh, tr. 50.
[3]x. 1Cel 86. 
[4]JOSEPH RATZINGER, Đức Giêsu Thành Nazaret, phần III, dịch giả Nguyễn Văn Trinh, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 93.
[5]x. NGUYỄN VĂN KHANH, Chúa Giêsu Kitô trong tư tưởng Thánh Phanxicô Assisi, tr. 204.
[6]BONAVENTURA DE BAGNOREGIO, Đại truyện thánh Phanxicô, dịch giả Vũ Phan Long và Tập Viện Du Sinh, nhà XB (không), nơi XB (không), 2007, tr. 72.