“HOA NỞ MÙA CHAY”
_HƯƠNG BIỂN_
 
              Chúng ta đang sống, sống với những lo toan, sống với sự hối hả và vồn vã do cuộc sống chi phối và sống với cả những “vấn đề của riêng ta”. Chúng ta có thể đưa ra những nhận định đó cho con người thời đại hôm nay, còn phần Tu sĩ chúng ta thì sao? Chúng ta có dám chắc mình đã “bước qua và bước ra” khỏi những lo toan thế tục ấy chăng? Hay là cùng với những lo toan trong đời sống tu trì, chúng ta cũng đang mang và vác lấy những lo toan chuyện nhân thế? Vài câu hỏi đặt ra để thấy rằng dường như chúng ta còn nói nhiều hơn là làm, hay nói một cách chính xác hơn là “miệng lưỡi” chúng ta hoạt động tốt hơn “con tim và tứ chi”. Và thế rồi, Mùa Chay Thánh đến. Đây thật sự là cơ hội tốt để chúng ta thực hành điều mà chính Thánh Giacôbê Tông đồ đã nói: “Còn tôi, tôi sẽ hành
động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2, 18).
         Mùa Chay Thánh năm nay đến và phải chăng chúng ta cũng đang đi vào “Mùa Chay Thánh” như bao Mùa Chay Thánh khác. Phải nói rằng, con đường Mùa Chay thì năm nào cũng như năm nào nhưng cách thức chúng ta đi thì không thể như nhau được. Mỗi chúng ta sẽ luôn sáng tạo để kiến tạo nên những lộ trình thật riêng, thật mới và thật sáng.  Vì thế, mỗi Mùa Chay đến, chúng ta lại có được những cảm hứng riêng và mới, để dù cho có gặp lại con đường cũ nhưng chúng ta luôn có cách thức sống mới phong phú và sâu sắc như việc chúng ta đón nhận Lời Chúa hằng ngày, hằng năm và trọn đời chúng ta vậy.
Vậy thì Mùa Chay Thánh 2024 này có gì mới, có gì lạ? Giữa bối cảnh của một thế giới hời hợt, phân tán và lệ thuộc[1], Mùa Chay có trở nên dấu chỉ của sự sâu sắc, hiệp nhất và tự do như nội dung Sứ điệp Mùa Chay năm nay chăng: “Xuyên qua sa mạc Thiên Chúa dẫn ta tới tự do”? Mùa Chay thường được gắn với sự khô cằn và khổ chế nhưng không vì thế mà không có sự tươi mới và thăng hoa. Bởi lẽ đó, “Hoa Nở Mùa Chay” ắt cũng phải là lẽ thường của đời Dâng Hiến.
        Có lẽ, chúng ta cũng cần nhắc lại một chút về các “hành động lạ” của Đức Thánh Cha Phanxicô vào năm 2015. Xuyên qua sa mạc của địa vị, Đức Phanxicô đã tự “giải thoát” chính ngài để đến với sự tự do đích thực của một con người muốn làm điều thiện và sẵn sàng làm điều thiện. Việc làm của Đức Thánh Cha tưởng chừng phải được chúng ta làm mỗi ngày song nó lại trở nên “rất lạ” vì đó là những việc làm thuộc loại “hiếm” của một vị Giáo Hoàng. Lời kinh của Thánh Phanxicô Assisi về sự hiến thân, quên mình còn luôn vang vọng và chúng ta bắt gặp được ngang qua cách ứng xử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: ăn cơm với người nghèo, ở phòng trọ, tặng sim điện thoại, tặng lều ngủ cho người vô gia cư… Đức Thánh Cha đã đi đến và ở lại trong những nhu cầu cần thiết của những con người ở bên lề xã hội. Lắng nghe và biết cách lắng nghe, chia sẻ và biết cách chia sẻ: đó là những điều cần thiết hơn cả nếu chúng ta muốn bước ra khỏi sự “bao bọc nội bộ” cũng như bước ra khỏi sa mạc của lòng mình để đến với anh chị em của mình.
Có thể chúng ta có Tâm nhưng nếu chúng ta không biết cách “Động Tâm” thì Tâm chúng ta sẽ vẫn cứ “cô đơn” mà thôi. Thật đáng tiếc nếu điều đó lại cứ mãi xảy ra. Tận hiến và quên mình khi gặp những người ở bên lề của xã hội là gì? Đó là câu hỏi đặt ra để rồi mỗi người trong chúng ta sẽ phải có cho riêng mình những đáp án.
            Mùa Chay là mùa của ân sủng và cũng vẫn luôn là mùa của cơ hội hoán cải. Sẽ chẳng có mấy ai thích đi lại con đường cũ đã đi vì “không ai tắm hai lần trên một dòng sông” (Heraclitus) nhưng chúng ta có thể làm mới con đường đã qua. Con đường Mùa Chay cũng giống như con đường Thánh Hiến mà ở đó, đích đến cuối cùng là sự phó thác, sự bỏ mình, sự tha thứ và Phục Sinh vinh hiển. Cây sẽ trổ sinh hoa trái khi chúng có được những điều kiện tốt. Còn chúng ta, ngay trong “sự khô cằn và khắc nghiệt” của Mùa Chay, Thiên Chúa lại đón chờ những hoa trái “trái mùa” của chúng ta. Những hoa trái “trái mùa” ấy đến từ sự tự do của việc sẵn lòng chọn lựa và hành động. Xuyên qua sa mạc của sự an toàn, chúng ta không phải chỉ dừng lại ở chỗ nói không với nhiều điều nhưng là “gác chúng lại một bên” để cho thấy sự tự do và sự trưởng thành hơn của bản thân. “Nhiều cái không” ắt hẳn không làm ta “tha hóa”, và có khi cũng chẳng làm ta thánh thiện hơn nhưng nó lại cho thấy một sự chọn lựa có chủ đích, có ý thức, có tự do. Cùng với “nhiều cái không”, chúng ta cũng sẵn sàng chọn lấy “nhiều cái có” hơn: có sự quan tâm hơn, có sự chia sẻ và giúp đỡ hơn, có sự tinh tế hơn, có khả năng hy sinh hơn, có khả năng tha thứ và đón nhận hơn... Và như điều Đức Phanxicô đã làm: đó là chúng ta cũng muốn làm điều thiện và sẵn sàng làm điều thiện. Biết bao hoa trái “trái mùa” của sự tự do đã được thu vào kho lẫm. Đó chính xác là những hoa trái Thiêng Liêng quý giá. Đó chính xác là những sản vật tốt lành và đó cũng là những “hoa thơm trái ngọt” đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta được Chúa mời gọi tạo nên một vườn hoa nhân đức giữa “Sa Mạc” khi biết vượt thắng những cám dỗ và phát huy những khả năng Chúa ban để sinh lợi, lẽ nào chúng ta lại bỏ qua những cơ hội vàng này?
            Còn chút gì của Mùa Chay: sự qua đi theo dòng thời gian? Sự tiếc nuối ngẩn ngơ hay là “những đá tảng góc tường” cho hành trình Thánh Hiến của mình? Còn chút gì: một cơn gió thoảng, một chút ngậm ngùi hay phảng phất hương thơm nồng quyện của một tình yêu hi sinh và phục vụ? Bạn muốn còn chút gì cho Mùa Chay Thánh Hiến của mình: hoa quả vẫn trổ sinh hay héo khô “một cuộc tình”? Thanh Xuân cuộc đời chỉ đến có một lần nhưng Thanh Xuân trong Tình Yêu, trong sự vượt qua, trong sự vươn mình với Chúa thì luôn như mới bắt đầu.
“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười” (Trịnh Công Sơn). Bông hoa ấy sẽ trở nên vườn hoa, nụ cười ấy sẽ trở nên hạnh phúc khi tôi và bạn biết bước ra khỏi sa mạc của lòng mình, đến với tự do nội tại và sinh hoa kết trái ngang qua những hy sinh thánh thiện và chân thực của mình.
 

[1] https://tgpsaigon.net/bai-viet/suy-tu-ve-su-diep-nhan-ngay-tg-ttxh-lan-thu-46-thinh-lang-de-truyen-thong-37011.