Tháng 10, tháng mà Giáo Hội dành riêng để kính nhớ Đức Maria Mân Côi, người Mẹ trong ân sủng của mỗi người chúng ta. Trong tâm tình yêu mến và tin tưởng vào sự che chở của Mẹ, thiết tưởng chúng ta cần nhìn lại đời sống của mỗi người trước lời mời gọi của Đức Mẹ khi hiện ra tại Fatima. Một trong ba lời mời gọi đó là việc ăn năn đền tội cải thiện đời sống. Là người môn đệ Phan Sinh, chúng ta được mời gọi để nhìn lại ơn gọi hoán cải, hay nói cách khác là việc sám hối và cải thiện đời sống; điều mà Cha Thánh Phan-xi-cô đã được Thiên Chúa chúc phúc và hướng dẫn để trở nên một con người thiện hảo.
Hiền Phụ Phan-xi-cô sinh năm 1181/1182 tại Assisi, trong một gia đình thương gia giàu có. Năm 1206-1206 Ngài bắt đầu cuộc hoán cải qua thị kiến lạ lùng tại Spoleto và cuộc gặp gỡ quyết định với những người bị bệnh phung[i]. Trước tiên khi nói về đời sống hoán cải, chúng ta phải ngược dòng thời gian để hiểu về tinh thần ấy. Đối với Cha Thánh Phan-xi-cô, hoán cải trước tiên là ân sủng đến từ Thiên Chúa[ii]. Chính Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự thiện, Ngài đã kêu gọi chúng ta là những con người yếu đuối nhìn lên Ngài để được ơn soi sáng mà nhận ra đâu là sự thiện toàn hảo. Hoán cải còn là một sự thay đổi hướng lòng, thay đổi một hành trình[iii]. Hoán cải là trở về cùng Thiên Chúa, bằng đức tin[iv]. Việc hoán cái cũng không phải chỉ một lúc hay một giai đoạn nhất định, nhưng hoán cải phải là một hành trình, một cuộc chiến liên lỉ, bởi con người chúng ta “đầy nết xấu và tội lỗi”[v]. Hoán cải không có nghĩa là tử bỏ cuộc sống thế gian, hay tìm nơi thanh vắng để chạy trốn khỏi cám dỗ, tội lỗi nhưng là việc từ bỏ tội lỗi ngay trong thế gian. Như chính Ngôi Lời đã mặc lấy xác phàm mà sống trong thế gian[vi]. Đối với vị hiền phụ sốt mến Phan-xi-cô, sống hoán cải giúp con người yêu Chúa trên hết mọi sự và điều đó cũng là vì phần rỗi các linh hồn.
Sống hoán cải là điều mà mọi người phải luôn ý thức và cố gắng mỗi ngày để trở nên hoàn thiện như Cha trên trời (Mt 5, 48). Tuy nhiên trong bối cảnh xã hội ngày nay việc hoán cải và ý thức về việc trở nên hoàn thiện đang gặp rất nhiều những thách đố. Trước tiên, khi nhìn vào bối cảnh xã hội và đời sống hiện nay. Chúng ta thấy, để sống tinh thần hoán cải con người cần nhận ra sự giới hạn và tội lỗi của bản thân. Tuy nhiên, trong một xã hội đang gặp rất nhiều khủng hoảng thì con người đang dần mất đi cảm thức tội lỗi. Một trong những lý do khiến con người ngày nay bị lu mờ ý nghĩ về sự xấu, sự tội đó là thang giá trị ngày hôm nay đang bị méo mó, biến dạng, bởi rất nhiều những nền văn hoá pha trộn, những tiêu chuẩn đánh giá chủ quan, cái tôi cá nhân được mọi người đề cao. Con người không còn tìm thang giá trị tuyệt đối. Nhiều người lấy điểm quy chiếu là những điều giới hạn như vật chất, và cá nhân. Mà vật chất thì nhất thời và bản tính con người thì vốn yếu đuối và bất toàn.
Một điều làm cho cảm thức tội lỗi của nhiều người bị giảm sút, đó là cách mà con người nhìn vào cuộc sống. Ngày nay nhiều người đang đánh đồng bản thân mình với người khác, họ nhìn vào người khác mà quy chiếu cuộc đời mình và không nhận thấy giá trị đích thực của bản thân, làm mất đi tính cá vị và độc đáo riêng của mỗi người. Họ chỉ nhìn được một góc cạnh nào đó, mà không có sự nhận định khách quan. Dẫn đến việc nhìn nhận cách phiến diện mà không biết điều mình đang làm là đúng hay sai. Một ví dụ điển hình là ngày nay rất nhiều người, theo dõi truyền thông, và chọn cho mình những thần tượng không thực tế, dẫn đến nấc thang giá trị của nhiều người bị lệch lạc, mà không nhận ra đâu là điều mà họ thực sự cần theo đuổi.
Đời sống hoán cải trong thế giới hôm nay gặp khó khăn. Vì ngày nay nhiều người đang mải mê với cuộc sống mà quên đi sự hiện diện của Thiên Chúa. Mà trước tiên, theo Cha Thánh Phan-xi-cô, để có thể hoán cải thì chúng ta phải bắt đầu từ ơn Thiên Chúa. Chính vì không nhận ra sự hiện diện và những ơn lành của Thiên Chúa nên con người gặp khó khăn trong việc nhận ra giới hạn và sự yếu đuối của mình để sống hoán cải. Một lý do khác làm nhiều người không nghĩ đến hay không muốn nghĩ đến hoán cải vì họ đang sợ thay đổi. Sống trong thói quen, trong sự độc lập, và trong chủ trương tương đối nhiều người không muốn tìm đến sự hoàn thiện, không muốn tìm đến điều gì mới mẻ hơn trong cuộc sống. Họ cũng nghĩ mình chẳng là gì trong một thế giới với hơn tám tỷ người, và như vậy họ bằng lòng với điều mình đang có, và hạnh phúc với điều tạm thời mà quên đi những giá trị vĩnh cửu. Trong bối cảnh Việt Nam, một lý do khác làm cho con người ngại hoán cải vì họ sống trong cảnh trắng đen lẫn lộn. Từ trong gia đình, vợ chồng không con tin tưởng nhau, con cái không tin tưởng cha mẹ. Ra ngoài xã hội, thì đâu đâu cũng là văn hoá giả dối. Đi mua một món hàng thì tìm hàng giả sẽ dễ dàng hơn hàng thật. Chính sự lu mờ của cảm thức tội lỗi, tác động của bối cảnh xã hội và cái tôi cá nhân đã làm cho con người không con muốn tìm kiếm một giá trị cao cả và bền vững dẫn đến việc ngại hoán cải trong bối cảnh ngày nay.
Nhìn vào bối cảnh mà sự hoán cải của con người đang gặp rất nhiều khó khăn thì một người môn đệ Phan Sinh cần trở nên chứng tá cho sự thiện hảo và tinh thần hoán cải. Noi gương vị Hiền Phụ sốt mến và truyền thống Phan Sinh trong suốt tám thế kỷ, người Anh Em Hèn Mọn được mời gọi nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Đặc biệt là nhận ra ân sủng mà Ngài ban tặng cho mỗi người. Bởi chính ân sủng của Thiên Chúa là tác nhân chính giúp con người sống hoán cải. Người Phan Sinh cũng cần ý thức thân phận tội lỗi của mình và trước mặt Thiên Chúa vì “chúng ta trần trụi và không có gì ngoại trừ tội lỗi”. Khi ý thức được thân phận tội lỗi thì mới có thể tìm kiếm và theo đuổi sự hoàn thiện và hoán cải mỗi ngày, như chính Cha Thánh Phan-xi-cô nói về hoán cải là một hành trình liên lỉ. Sống hoán cải sẽ giúp con người yêu Chúa trên hết mọi sự và luôn hy sinh vì phần rỗi các linh hồn. Vì thế một người Phan Sinh sống hoán cải là sống tình yêu cách sung mãn, qua việc yêu Chúa, yêu tha nhân và tất cả tạo thành.
Sống hoán cải là một hành trình liên lỉ và phải khởi đi từ ân sủng của Thiên Chúa. Chỉ có nhờ sức mạnh và tinh thần Chúa cùng sự cố gắng và khao khát nên hoàn thiện cách mạnh mẽ và xác tín thì con người mới có thể sống đời sống hoán cải. Chính từ đời sống hoán cải, giúp chúng ta yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn, mang lại lợi ích cho chính bản thân và vì phần rỗi các linh hồn.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Mân Côi, và Hiền Phụ Phan-xi-cô. Xin cho chúng con luôn biết mở tâm hồn mình ra để đón nhận ân sủng và sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Để mỗi ngày chúng con biết canh tân đời sống của mình, hoán cải bản thân và được sống trọn niềm tin yêu trong ơn nghĩa Chúa.
Tu sĩ Phê-rô Bùi Văn Vịnh OFM Conv.