Trong Giáo hội Việt Nam, những tổ chức và sinh hoạt đạo phần lớn gắn liền với một “tầng lớp”, giáo sĩ và tu sĩ. Trong tâm thức người Kitô hữu Việt Nam, có thể nói, sự hiện diện của tầng lớp này chính là “linh hồn” của Giáo hội.
Tuy nhiên, giáo dân thường cần tới giáo sĩ và tu sĩ như là những người đáp ứng các sinh hoạt chứ không phải đáp ứng nhu cầu đức Tin. Những địa phương, những tổ chức và sinh hoạt được các giáo sĩ và tu sĩ đảm nhận thì sinh hoạt phát triển. Uy tín và tầm quan trọng của giáo sĩ và tu sĩ rõ ràng cũng được đánh giá dựa theo tiêu chuẩn này. Rất nhiều bạn trẻ đi tu vì thích những hoạt động của giáo sĩ hoặc tu sĩ chứ không phải vì nét đẹp của người rao giảng Tin Mừng. Giáo sĩ và tu sĩ được coi như là những người có địa vị trong tổ chức Giáo hội, “có việc làm” trong “ban bệ” tổ chức sinh hoạt của Giáo hội.
Nhiều bạn trẻ đi tu để tìm một vị thế trong tổ chức và để thể hiện mình trong những sinh hoạt của Giáo hội. Linh mục vốn được trọng dụng hơn các tu sĩ, bởi vì linh mục có vị thế quan trọng hơn trong các tổ chức và sinh hoạt; tu sĩ có khả năng hoạt động có vẻ như vẫn “hợp thời” hơn những tu sĩ sống tinh thần Tin Mừng cách âm thầm… Như thế chúng ta cũng hiểu tại sao người Việt Nam thích đi tu làm linh mục nhiều hơn, thích các dòng hoạt động nhiều hơn, và thường đánh giá một giáo sĩ hay tu sĩ theo khả năng tổ chức và sinh hoạt chứ không phải trong ý nghĩa đời sống đức Tin và giá trị Tin Mừng. Bạn trẻ có thể quý mến một tu sĩ coi cổng thật nhân ái, nhưng vẫn thích làm linh mục để xuất hiện trước cộng đoàn.
Giới giáo sĩ và tu sĩ Việt Nam đang có rất nhiều nỗ lực để canh tân sinh hoạt tôn giáo. Giáo hội Việt Nam, nói chung, vẫn còn khá nhiều ơn gọi và vẫn còn một lực lượng giáo sĩ, tu sĩ tương đối trẻ, năng động, để có thể xoay sở trong những sinh hoạt tôn giáo nhằm thu hút sự tham gia của người Kitô hữu. Quả thật, hiện nay, chính những nỗ lực sáng tạo, đổi mới hình thái sinh hoạt tôn giáo cho hấp dẫn hơn, sinh động hơn, đang là sức mạnh chính yếu để giữ gìn nếp sống đạo trong Giáo hội Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bầu không khí chung của một thứ “đạo sinh hoạt”, phần lớn giáo sĩ và tu sĩ có lẽ cũng không thoát được tâm thức chung. Khả năng khẳng định mình trong sinh hoạt Giáo hội đã trở thành “giá trị” lớn trong lòng Giáo hội Việt Nam và chính “giá trị” ấy đang tác động sâu xa trong mọi lãnh vực, cả trong ý nghĩa ơn gọi.
Do đó, tầng lớp giáo sĩ và tu sĩ nhận thấy trách nhiệm chính yếu của mình là đảm nhận những tổ chức và sinh hoạt trong Giáo hội; và ngầm hiểu rằng điều làm nên “sức sống” của Giáo hội Việt Nam cũng chính là những sinh hoạt và tổ chức sầm uất… Nhiều giáo sĩ và tu sĩ bận tâm chuẩn bị những “kỹ năng” cần thiết trong sinh hoạt của Giáo hội nhiều hơn là bận tâm sống giá trị Tin Mừng. Nhiều giáo sĩ và tu sĩ nỗ lực làm cho tổ chức phụng vụ được hấp dẫn và lôi cuốn (ló đầu ra là… phét) chứ không mấy ưu tư cần làm gì để nuôi dưỡng đức Tin chân chính và thật sự loan báo Tin Mừng cứu độ.
Chính vì thế, sinh hoạt và tổ chức trong Giáo hội Công giáo được củng cố vững chắc hơn mọi tôn giáo khác, nhưng phẩm chất đời sống đích thực của người Kitô hữu thể hiện trong cuộc sống hằng ngày có lẽ cũng chẳng hơn ai.
Mặt khác, chúng ta thấy không hiếm những tu sĩ, giáo sĩ, trong vai trò, trách nhiệm của mình, đã hết mình khuyên nhủ, dạy dỗ người giáo dân những điều hay lẽ phải; nhưng khi lọt ra khỏi vị thế và trách nhiệm của mình, trong một hoàn cảnh khác hoặc sống một vị thế khác, thì lại ứng xử một cách khá “tự nhiên” như bất cứ một người nào khác, những cách ứng xử không biểu lộ một chút nào tinh thần của Tin Mừng. Cũng như với các người sinh hoạt trong hội đoàn, một tu sĩ bỏ ơn gọi, thường thường, chẳng mấy chốc cũng trở lại một con người hết sức bình thường và tầm thường như mọi người khác. (quá tầm thường, bất mãn, thù oán, khẳng định mình… )
ST