"Một trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ!” Đêm nay, các hang đá máng cỏ lung linh muôn màu muôn vẻ trên khắp thế giới này muốn diễn tả lại chính hình ảnh ấy. Bởi đã từng có một đêm như thế, đã từng có một sự kiện như thế xảy ra trong dòng thời gian lịch sử này, trên trái đất này. Biến cố cách chúng ta hai ngàn năm. Hoàng đế Augustô, người đương thời của biến cố, lăng mộ ông, dù rêu phong, vẫn còn nằm đó ở Rôma và thu hút nhiều du khách thập phương ghé thăm hằng ngày. Trong không gian địa lý, biến cố này cách chúng ta khoảng hơn 7 ngàn cây số - cũng không phải là quá xa… Ngày nay máy bay Boeing bay thẳng thì chỉ mất 10 tiếng thôi, là tới!
         Nhưng "một trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ" thì có gì đặc biệt, để cả thế giới này, đêm nay, và dù bao nỗi khó phải lo toan, vẫn rộn ràng khấp khởi như thế? 
          Mọi người mừng vui, vì… Nô-en mà! Nhất là chúng ta, các tín hữu, mừng vui vì em bé này là “Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho chúng ta trong thành vua Đavít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa”! Niềm vui này đã được báo trước từ xa xưa, như trang sách Isaia tối nay diễn tả đầy hình tượng và rất hùng hồn. Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con được ban tặng cho ta. Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hòa bình vô tận… Người là ánh sáng bừng lên chiếu rọi cho đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm. Người ta mừng vui như trong mùa gặt… Cái ách và ngọn roi của kẻ cường quyền bị bẻ gãy. Người giải phóng, và đoàn dân được tự do!
          Với "em bé sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ" này, Vĩnh Cửu đã đi vào thời gian, Vô Hạn đảm nhận hữu hạn, Trời cao đất thấp gặp nhau, Thiên Chúa đã làm người! Vì thế, đêm nay là Đêm Ánh Sáng. Đêm Ân Phúc. Đêm Bình An. Là Đêm Thánh! …
          Nhưng ta sẽ lầm, nếu ta hình dung hang đá máng cỏ trong cánh đồng Bêlem đêm ấy với vẻ rực rỡ huy hoàng như thấy nơi rất nhiều hang đá ngày nay, những hang đá rất đẹp với trang trí đầy mầu sắc và nhiều đèn điện nhưng chúng ta biết người có sáng kiến làm hang đá đầu tiên là thánh Phanxicô Assisi vào năm 1223 tức là cách đậy đúng 800 năm tại Greccio Nước Ý khi ngài đem tới một con bò, một con lừa, một ít rơm khô và một cái máng ăn vào một cái hang đá thực sự. Về sau những nhân vật và những con vật mới làm bằng tượng thay thế. Có lẽ đa số các hang đá ngày nay không nói lên được sự nghèo khó của hang Bò lừa như khi Chúa  sinh ra.
          Đúng hơn, đó chỉ là một chuồng bò với cái máng đựng cỏ hay rơm thực sự. Không có ánh sáng chói lòa đâu. Cũng không có thiên thần bay lượn tung tăng ca hát đâu. Ánh sáng và thiên thần may ra chỉ có thoáng qua ở chỗ các người chăn chiên đang thức đêm canh giữ đoàn vật thôi. Vì không có gì đặc biệt, nên dấu hiệu để các người chăn chiên nhận diện chỉ là “một trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ”! 
          Vậy thì có gì? Hầu chắc là chỉ có những thứ thông thường của một nơi chốn như thế: Có ánh sáng chập chờn của đống lửa mà Giuse vừa nhóm được từ mớ củi khô; có mùi hôi tanh đặc trưng của chuồng súc vật; có từng cơn gió lạnh rít qua; và có những tiếng khóc oa oa của một đứa trẻ mới sinh giữa sự im ắng của đồng không mông quạnh… 
          Con Thiên Chúa làm người, hẳn không có ý giành kỷ lục về một cuộc chào đời bi thảm; cha mẹ Người cũng không hề muốn sinh con giữa đường như vậy. Nhưng nói gì thì nói, cái tình cảnh ấy cũng đủ cho ta thấy là chẳng tiện nghi, chẳng dễ chịu và thoải mái chút nào! … Chỉ vì "hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ"... Một trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ! Thiên Chúa làm người thật đơn sơ, khiêm hạ biết bao! Thiên Chúa gần gũi biết bao! Người muốn đồng hành biết bao – hay nếu bạn muốn dùng từ mới: ‘hiệp hành’ – với những người chăn bò là những kẻ mang thân phận vật vờ bên lề xã hội và tôn giáo! 
          Nơi em bé sơ sinh này, Thiên Chúa đang đích thân đến hiện diện với con người. Đích thân! Vì đây không còn là việc dùng các ngôn sứ làm trung gian nữa. Chính Thiên Chúa thân hành đến. Bởi vì: tình hình càng nghiêm trọng và khẩn cấp thì biện pháp càng phải quyết liệt nhất. Cũng như khi trận chiến mang tầm quyết định một mất một còn thì lực lượng chủ lực tổng trừ bị phải được điều động tham chiến thôi. Nhìn em bé trong máng cỏ đêm nay, ta có thể thấy tội lỗi và sự bế tắc của con người to lớn biết mấy, và đồng thời thấy tình yêu, ý chí cứu độ của Thiên Chúa còn lớn lao hơn thế! Liên hệ với cuộc chào đời này của Con Thiên Chúa, Thánh Phaolô nói về sự biểu lộ của ân sủng cứu độ cho mọi con người, và ngài kêu gọi đáp lại ân sủng này bằng cách từ bỏ các đam mê trần tục và hăng say làm việc thiện. 
          Chiêm ngắm Thiên Chúa làm người nơi “em bé mới sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ”, chúng ta nhận ra: Làm người không bao giờ là điều quá tệ - dù có muộn phiền muôn nỗi, dù bao khốn khó và dù những thử thách có thể trùng giăng đủ màu đủ kiểu trong cuộc sống hằng ngày. 
          Làm người không chỉ là không tệ, mà đúng hơn là vinh dự, là hồng phúc khôn tả - vì hơn hết mọi bằng chứng khác trong Thánh Kinh, biến cố “một trẻ sơ sinh, bọc tã, nằm trong máng cỏ” này là mặc khải hùng hồn nhất về phẩm giá vô cùng cao quí của tất cả chúng ta, của mọi con người, không trừ ai… Hãy nhìn vào em bé trong máng cỏ và thốt lên nơi đáy lòng mình: Tạ ơn Chúa vô vàn, Chúa ơi, vì Chúa yêu thương con đến thế! Amen.
 
Father. Phêrô Nguyễn Ngọc  Duy, OFMConv.