Bầu khí Giáng Sinh đang tràn ngập khắp phố phường, không chỉ người Công giáo nhưng tất cả mọi người đều hòa chung niềm vui Giáng Sinh dù đâu đó quanh đây, người người vẫn tất tả với biết bao lo lắng cho cuộc sống. Nhìn ngắm hang đá ở một số nơi mà tôi có dịp đến, khung cảnh Giáng Sinh rất đỗi quen thuộc không làm tôi chú ý nhiều. Hơn nữa, trong dịp mừng 800 năm hang đá Giáng Sinh đầu tiên được làm tại Greccio do Thánh Phanxicô Assisi, nhìn ngắm hang đá thật lâu để kính viếng, tôi mới nhận ra sự hiện hữu của một sự vật bé nhỏ, nằm khuất bên dưới tượng Chúa Hài Nhi mà ít ai để ý. Đó là máng cỏ. Nơi một số hang đá theo kiểu “phá cách” hiện đại, có lẽ người ta không chú ý nhiều đến chi tiết này. Tôi không chú ý nhiều đến Chúa Hài Nhi, nhưng là chiếc máng cỏ nhỏ bé, đơn sơ nằm khuất dưới tượng Chúa. Ít ai để ý rằng, hình ảnh “máng cỏ” đã xuất hiện trong trình thuật Giáng Sinh trong Tin Mừng Luca và hơn thế nữa, nó chứa đựng cả bầu trời ý nghĩa thần học. Đối với tôi, máng cỏ tự nó không có giá trị, nhưng khi được “cưu mang” Ngôi Lời Nhập Thể, nó mới đạt đến giá trị tuyệt đối của nó, vì nó được chúc lành.
          Hình ảnh “máng cỏ” xuất hiện trong trình thuật Tin Mừng Luca chương 2. Luca nói đến “máng cỏ” 3 lần ngay đầu chương. Trong khung cảnh Giáng Sinh, các nhân vật xuất hiện trong trình thuật như: thánh Giuse, mẹ Maria, các mục đồng. Trình thuật Luca không đề cập đến nơi chốn cụ thể Chúa Giêsu sinh ra. Đó có thể là chuồng súc vật hoặc một căn lều, hoặc trong hang đá, tùy theo khóe nhìn của các nhà chú giải Kinh Thánh. Hình ảnh “máng cỏ” khá nổi bật vì theo trình thuật này, bà Maria đã đặt hài nhi nằm trong đó vì không tìm được chỗ trọ. Đó là nơi đầu tiên mà Ngôi Lời sinh ra nơi trần gian. Hơn nữa, đó là dấu chỉ để các mục đồng nhận ra hài nhi mới sinh là Đấng Kitô Đức Chúa. Nói về “máng cỏ” của người Do Thái, đây là dụng cụ để những người chăn giữ súc vật để đồ ăn cho chúng suốt cả mùa đông hoặc dự trữ một thời gian dài. Chắc chắn, máng cỏ cho súc vật ăn không thể là một nơi sạch sẽ, vệ sinh để phục vụ cho con người, mà chỉ phục vụ cho gia súc mà thôi. Ở đây, chúng ta có thể thấy sự bất hợp lý của trình thuật, đáng lẽ bà Maria đã phải đặt hài nhi ở một nơi sạch sẽ hơn hoặc ít ra, đặt hài nhi trong cung lòng của mình để bồng ẳm và bảo vệ. Nhưng ta cũng có thể suy đoán được phần nào lý do tác giả “cho” hài nhi nằm trong máng cỏ khi đến trình thuật thiên thần báo tin cho các mục đồng, chính chi tiết hài nhi nằm trong máng cỏ là dấu chỉ để các mục đồng chăn chiên nhận ra Đấng Cứu Độ. Tóm lại, thánh sử Luca cho chúng ta biết “máng cỏ” là một dấu chỉ cho những người chăn chiên nhận ra Đấng Cứu độ, ứng nghiệm lời loan báo của thiên sứ. Thứ hai, máng cỏ mang ý nghĩa biểu tượng, nó chỉ là máng ăn thô ráp, dơ bẩn, bốc mùi nhưng lại minh họa sống động cho cuộc nhập thể đáng kinh ngạc của một Thiên Chúa. Kinh ngạc ở chỗ “một Đấng Tạo Hóa đã trở nên một tạo vật, Đấng sắp đặt các tinh tú lại nằm bất lực trong máng cỏ hôi tanh; Đấng mà mỗi chúng ta truyền tụng và ca ngợi thật lớn lao vĩ đại lại trở nên thật nhỏ bé, yếu đuối; vị vua của toàn thể thiên binh thiên thần lại hiện hữu trong hình hài một thụ tạo; Đấng tạo hóa thời gian lại bước vào thời gian; Đấng nắm trong tay vận mệnh của thụ tạo và sự vĩnh cửu, lại nằm trong tay một người mẹ nhân loại, dễ bị tổn thương; một Thiên Chúa đã hạ mình” (tác giả Paul Levy).
          Theo nhãn quan thần học Phan Sinh, mầu nhiệm Nhập Thể không thể chỉ giới hạn trong biến cố Nhập Thể. Nhưng cuộc Nhập Thể là cuộc khởi tạo của Thiên Chúa ngay từ khởi nguyên và còn kéo dài mãi đến cuộc cánh chung. Vì thế Ngôi Lời trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm không chỉ để cứu vớt tội lỗi của con người, nhưng còn là cuộc khải nhiệm bản tính của Thiên Chúa. Trước hết, Ngôi Lời nhập thể để cho thấy sự khôn ngoan, quyền năng và tính tuyệt đối nơi Thiên Chúa vốn vượt khỏi không gian và thời gian nhưng lại hiện hữu trong thời gian. Thứ hai, Ngôi Lời nối kết thụ tạo với Đấng tạo hóa. Thứ ba, Ngôi Lời biểu tỏ cho thấy tính thông truyền của Thiên Chúa qua biến cố Nhập Thể. Cuối cùng là để cứu vớt tội lỗi của con người. Nhìn từ biến cố Nhập Thể, và cụ thể hình ảnh “máng cỏ” mà chúng ta đang chiêm ngắm, nếu máng cỏ là một hữa thể biết suy tư, chắc hẳn nó phải nhận ra Đấng mà nó chứa đựng là Ngôi Lời, mang trong mình cả một thế giới huyền nhiệm về Thiên Chúa trong Ba Ngôi. Như thế, có thể nói, máng cỏ chứa đựng cả một huyền nhiệm không thể diễn tả. 
           Máng cỏ nhận lấy sự sống từ Ngôi Lời Thiên Chúa. Khi hài nhi được đặt nằm trong máng cỏ, hơi ấm từ hài nhi tỏa lan khắp máng cỏ. Hơi ấm này không chỉ là hơi ấm theo nghĩa nhân loại nhưng còn là biểu tượng của sự sống. Chính Ngôi Lời thông truyền sự sống cho những hữu thể vốn vô tri vô giác. Quả thế, máng cỏ tự nó chỉ là một sự vật vô tri nhưng nhờ Ngôi Lời cư ngụ, nó khoác lên mình ý nghĩa mới vì hài nhi mới sinh sẽ là “Bánh sự sống” (Ga 6,35). Hạn từ “Máng cỏ” tiếng anh là manger, tiếng Latinh munducarenghĩa là “cho ăn”, trong tiếng Do Thái nghĩa là “nhà bánh ăn” cũng cho thấy toàn bộ ý nghĩa của “máng cỏ”. Nơi máng cỏ, đàn gia súc tìm thấy nguồn sống khi được tiếp nguồn lương thực nuôi sống chúng. Giờ đây, máng cỏ vẫn tiếp nối sứ mạng thông truyền sự sống của Đấng đã ngự nơi nó cho những ai chiêm ngưỡng nó. Khi chiêm ngưỡng máng cỏ đơn sơ thấp hèn nhưng cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể, con người nhận ra sức sống tiềm tàng nơi nó. Hơn nữa, cũng trong nhãn quan Phan Sinh, mầu nhiệm Nhập Thể không thể thành toàn và đạt đến ý nghĩa tuyệt đối nếu không liên kết với mầu nhiệm Thánh Thể. Vốn dĩ, Ngôi Lời nhập thể để thông truyền sự sống cho con người. Tính thông truyền sự sống qua biến cố Nhập Thể được hiện thực hóa hằng ngày trong đời sống qua bí tích Thánh Thể. Vì nơi bí tích Thánh Thể, Ngôi Lời tiếp tục trao ban sự sống thần linh cho con người trong việc hiến dâng Mình và Máu cho nhân loại. Vì thế, con người, khi nhận lãnh Mình và Máu Thánh Chúa là đang kết hiệp với Ngôi Lời Nhập Thể vì giờ đây, Ngôi Lời không còn nhập thể nơi máng cỏ nữa, nhưng nhập thể trong lòng mỗi người. Trong mối dây liên kết này, mỗi người sẽ trở nên “máng cỏ” thật đặc biệt để đón Ngôi Lời nhập thể trong tâm hồn của mình.
               Máng cỏ là trung tâm quy tụ, nối kết thụ tạo, con người với Thiên Chúa thông qua Ngôi Lời. Trong trình thuật tin mừng Luca, máng cỏ là dấu chỉ để các mục đồng nhận ra hài nhi mới sinh là Đấng Cứu độ. Trên bình diện dấu chỉ này, máng cỏ cũng là dấu chỉ để mỗi người nhận ra Ngôi Lời. Nếu Ngôi Lời nhập thể không được đặt nằm trong máng cỏ hôi tanh, dơ bẩn theo trình thuật Tin Mừng, để minh họa cho cuộc nhập thế của Thiên Chúa, ắt hẳn con người đã chẳng có một dấu chỉ nào để nhận ra. Không một trẻ sơ sinh nào được đặt nằm trong máng cỏ lúc mới sinh, nhưng duy mình Ngôi Lời. Máng cỏ trở thành một hữu thể duy nhất tuyệt đối dành riêng cho Đấng Cứu Thể, là chốn cưu mang Đấng Cứu Thế. Như thế, khi chiêm ngắm máng cỏ trong chiều kích chính Ngôi Lời đã chọn lấy nơi ấy làm nơi cư ngụ cho chính mình, con người nối kết với một Thiên Chúa đã từ bỏ tất cả vinh quang thuộc bản tính của mình mà mặc lấy xác phàm. Hơn nữa, khi chiêm ngắm Ngôi Lời đặt nằm trong máng cỏ, máng cỏ cũng thừa hưởng mối tương quan chặt chẽ trong Ba Ngôi Thiên Chúa khi là trung gian đưa con người vào trong mối tương quan này. 
               Máng cỏ cưu mang Ngôi Lời nhập thể, cách nào đó, chúng ta có thể diễn giải ý nghĩa này trong cách một người mẹ cưu mang đứa con của mình. Nếu nói rằng máng cỏ “thay thế” mẹ Maria để tạm thời cưu mang và lưu giữ hơi ấm cho hài nhi quả thực không sai. Dĩ nhiên Mẹ Maria có một vị thế hoàn toàn khác so với một vật vô tri như chiếc máng cỏ. Nhưng hiểu theo nghĩa loại suy, cách nào đó máng cỏ cũng đang “nỗ lực đạt đến cứu cánh của nó” là bảo vệ hài nhi. Ở một ý nghĩa khác, nơi máng cỏ, Đức Giê-su Kitô Ngôi Lời nhập thể đã hoàn toàn tự do trong chính bản tính của mình như một Thiên Chúa và như một con người thực sự. Để tỏ hiện tự do của một Thiên Chúa, thiết nghĩ không thể không nhắc tới bản tính vốn có của máng cỏ. Đó là một vật dụng dùng để cho gia súc ăn, chức năng của nó là “chứa đựng”. Nó chứa đựng thức ăn, nguồn nuôi dưỡng sự sống cho súc vật và giờ đây “chứa đựng” Ngôi Lời như toàn thể vì “Đức Kitô là trưởng tử giữa muôn loài thụ tạo” (Cl 1,15). Chính Đức Kitô sẽ trở nên không chỉ lương thực thần linh nhưng còn là nguồn của mọi thứ lương thực nuôi dưỡng linh hồn con người. Theo khóe nhìn này, máng cỏ đạt đến cứu cánh và chức năng đích thực của nó. Chính Đức Kitô Ngôi Lời nhập thể đưa “máng cỏ” vào hiện hữu khôn sánh hơn hiện hữu hiện tại của nó. Và đồng thời, làm cho nó trở thành một mầu nhiệm. Máng cỏ không tự nó đạt đến cứu cánh của nó và sẽ không bao giờ hiện hữu nếu nó không được sử dụng vào mục đích gì. Nhưng nhờ gắn liền với Đức Kitô đến nỗi, máng cỏ “nâng đỡ” Đấng Tối cao, nó mới thành toàn mục đích cuộc đời của nó. Như thế, nhìn máng cỏ Ngôi Lời cư ngụ để soi chiếu với hình ảnh cây thập giá, chúng ta thấy những điểm tương đồng, cả hai sự vật ấy đều “nâng đỡ” thân thể Đức Kitô. Con Thiên Chúa khi nhập thể, tựa vào chiếc máng cỏ hôi tanh, dơ bẩn để đỡ đần; khi xuất thế, cũng tựa vào cây thập giá cứng cỏi, thô ráp. Như vậy, hai hình ảnh này liên kết mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Thánh giá khi cùng với Ngôi Lời mang ơn cứu độ cho nhân loại. Trong khóe nhìn này, con người đứng trước lời mời gọi của Đấng đã nhập thể để trở nên máng cỏ hay thập giá cho Đấng cứu độ tựa vào?
            Mầu nhiệm Nhập Thể dưới nhãn quan của thánh Bo-na-ven-tu-ra không chỉ dừng lại nơi biến cố Nhập Thể, nhưng còn trải rộng, khởi phát từ cuộc tạo dựng và kéo dài cho đến tận thế mới thành toàn. Vì thế, hình ảnh máng cỏ trong biến cố Nhập Thể là một nét suy tư góp phần vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Trong hết tất cả những ý nghĩa vừa trình bày, rõ ràng ta thấy, máng cỏ được ban cho đầy tràn ân phúc khi nó từ hàng tạo vật vô tri vô giác được lên thành vật sống động, thành nơi cư ngụ và cưu mang Đấng cứu độ của nhân loại. Rõ ràng, ân phúc này không tự bản tính nhưng được Thiên Chúa phú ban và biến đổi. Qua tạo vật, con người học biết Thiên Chúa là tác giả của công trình tạo dựng, công trình Nhập thể và Cứu chuộc.
          Trong dịp kỉ niệm 800 năm hang đá Giáng Sinh đầu tiên tại Greccio, Đức Thánh Cha Phanxicô ban ơn toàn xá cho tất cả mọi người đến viếng và cầu nguyện trước hang đá trong nhà nguyện của các anh em Phan Sinh coi sóc. Đây là cơ hội đặc biệt quý giá để mọi người chiêm ngưỡng hang đá cách đặc biệt. Không chỉ chiêm ngắm vẻ đẹp của hang đá nhưng chiếm ngắm toàn bộ mầu nhiệm Nhập Thể được cụ thể hóa nơi hang đá. Vì vậy, nhìn ngắm những hình ảnh trong hang đá bằng con mắt đức tin là cách hiện thể hóa mầu nhiệm Nhập Thể trong cuộc đời mỗi người. Do đó, mỗi người sẽ chọn cho mình những cách chiêm ngắm hang đá khác nhau với những chất liệu khác nhau. Từ khát khao muốn tái hiện khung cảnh Ngôi Lời nhập thể để chiêm ngắm cảnh cơ cực nghèo khó của Con Thiên Chúa mà Thánh Phanxicô khởi sự hang đá Giáng Sinh. Điều ngài không biết trước rằng hang đá Giáng Sinh sẽ trở nên một nét truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Giáng Sinh về. Có lẽ lúc ấy ngài không để ý đến hình ảnh chiếc máng cỏ được nói đến trong Tin Mừng nhưng có lẽ, cả cuộc đời ngài đã trở nên “chiếc máng cỏ” đặc biệt, để Đức Kitô được hiện thân cách độc đáo qua lối sống đơn sơ khó nghèo. Cách Phanxicô họa lại hình ảnh Đức Kitô nhập thể là cách ngài làm cho Đức Kitô nên đồng hình đồng dạng với mình, tuy hai mà trở nên một. Và như thế, chiếc máng cỏ đơn sơ cưu mang Đấng Cứu độ dần dà được hiện thể hóa nơi những con người mặc lấy Đức Kitô nhập thể trong cuộc đời của chính mình. Hãy trở nên máng cỏ cho Đức Kitô cư ngụ, đó là lời mời gọi của Đấng đã từ chối vinh quang danh dự cho mình mà mặc lấy xác phàm, trở nên là con người, hầu đem ơn cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại.
Fr. Giuse Nguyễn Quốc Huy, OFMConv.