Dẫn ý:
            Sự “dài dòng” của tiêu đề bài viết phần nào cũng phản ánh “tâm tư” của người viết khi đặt bút để “vẽ nên” những tâm tình này: nào là hiện tại, nào là quá khứ, nào là máng cỏ Greccio, nào là máng cỏ đời tôi, nào là trở về, nào là hướng tới… cả một mớ đúng nghĩa “dài dòng”. Tuy vậy, sau tất cả, người viết cũng đã xâu chuỗi lại các sự kiện và chọn được cho mình một tiến trình hợp nhất: “Trở về quá khứ để chiêm ngắm, phóng vào tương lai để yêu thương”.
Khi soi chiếu đời mình vào biến cố “Mừng Kỉ niệm 800 Năm Máng Cỏ Tại Greccio”, người viết không khỏi “ngậm ngùi” và tự hào. “Ngậm ngùi” vì khi đặt sự mong manh của 35 năm cuộc đời với 800 năm biến cố tại Greccio và hơn 2000 năm đã qua tại Bêlem, một sự chênh vênh đến cao độ ập tới. Người viết cảm thấy ngợp và thật sự có phần e thẹn… Nhưng người viết cũng đầy tự hào vì “được thuộc về” lịch sử ấy một cách đúng nghĩa.
            Dầu biết rằng, lời nhắc nhở của Cha Thánh vẫn luôn tròn đầy ý nghĩa: “Thật xấu hổ cho chúng ta là các tôi tớ của Thiên Chúa, vì các thánh đã hành động, còn chúng ta, chúng ta lại muốn kể lại và rao giảng sự nghiệp của các ngài để được danh dự và vinh quang” (Huấn Ngôn 6, 3). Nhưng thiết nghĩ, nếu có thể viết lại được một điều gì đó, dù là đơn sơ nhất để ca tụng, thì đó cũng là điều phải lẽ. Cho nên, dù khi đặt bút viết, sự chông chênh và chênh vênh là rất lớn, nhưng người viết cũng muốn “dính dự” vào căn tính của Hội dòng để gọi là ưu tư.
“Trở về quá khứ để chiêm ngắm”
            “Ước nguyện cao cả nhất, mong muốn mãnh liệt và ý hướng lớn lao nhất của ngài là tuân giữ thánh Phúc Âm trong mọi sự và mọi hoàn cảnh, sống theo lời dạy, và đi theo vết chân của Đức Giêsu Kitô”(1Cel, 84). Bởi lẽ đó, với lòng đầy sốt mến, thánh Phanxicô đã “hiện tại hóa”[1], chứ không chỉ dừng lại ở việc tái hiện lại “máng cỏ Bêlêm”. Với đôi mắt trần thể lý, thánh Phanxicô đã thấy được Hài Nhi Giêsu hiện diện, điều mà chúng ta chỉ có thể “chiêm ngắm” với đôi mắt “tinh thần” mà thôi. Điều này quả không lạ với thánh Phanxicô vì “với thánh Phanxicô, một tình yêu cá vị với Đức Giêsu là trọng tâm của linh đạo Kitô giáo, và ngài thường xuyên trò chuyện với Chúa Giêsu”[2].
         Trước khi chúng ta có thể tự chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, thiết nghĩ chúng ta cũng nên hiểu được tâm tình của thánh Phanxicô khi ngài đã làm một việc “lưu danh vạn thuở” này. Khi hiện tại hóa máng cỏ Bêlêm ngay tại Greccio, thánh Phanxicô chất chứa nhiều ưu tư trong tâm hồn ngài: chiến tranh và sự chia rẽ ngày càng tăng lên, hòa bình không còn là chọn lựa của con người. Tuy nhiên, điều mà Phanxicô muốn nhắm đến đó là: con người đang lãng quên sự hiện diện của Thiên Chúa. Vì thế, khi đánh mất vị trí của Thiên Chúa trong tâm thức, con người tự cho mình quyền “định nghĩa” lại các giá trị trong cuộc sống. 
          Thánh Phanxicô yêu mến Bêlem vì đó là nơi Hài Nhi vì yêu thương chúng ta mà đã hạ sinh. Và Phanxicô không dừng lại ở đó. “Qua máng cỏ ở Greccio, thánh Phanxicô ước muốn người ta nhìn thấy chính họ trong máng cỏ Chúa Giáng sinh. Đây không chỉ là chuyện đã xảy ra từ 1200 năm trước ở Bêlem, nhưng là điều vẫn xảy ra lúc này và ở đây giữa mọi người”[3]. Với thánh Phanxicô, nếu chỉ nhớ về Bêlem như là một hoài niệm của kí ức và của câu chuyện lịch sử, thì thật quá đáng tiếc. Và nếu chúng ta cũng chỉ chiêm ngắm hang đá Bêlem như “một tác phẩm nghệ thuật” (dù rằng nó rất nghệ thuật) mà không thể phản tỉnh bất cứ điều gì cho bản thân thì cũng lại là điều đáng tiếc hơn.
           Tắt một lời, “Máng Cỏ Greccio” cho thấy ưu tư và sự bén nhạy của thánh Phanxicô. Một cảm thức đơn sơ nhưng “cao vời”: đơn sơ của một tâm hồn bình dị và “cao vời” của một sự kết hợp thần linh sâu sắc. Với Thánh Phanxicô, ngài luôn kết hợp Mầu Nhiệm Nhập Thể với Mầu Nhiệm Thánh Thể: “Hằng ngày chính Người đến với chúng ta dưới một hình thức khiêm hạ. Hằng ngày Người rời cung lòng Chúa Cha (x. Ga 1,18) để ngự xuống trên bàn thờ, trong tay linh mục.” Như thế, thánh Phanxicô đưa chúng ta tiếp cận Ngôi Hai một cách rất gần gũi. Không phải là Một Thiên Chúa ở mãi trong “Cỏ Rơm” nhưng là một Thiên Chúa ngự vào, ở lại và biến đổi tâm hồn chúng ta mỗi ngày. Chỉ có điều là: chúng ta có sẵn lòng tiếp rước Ngài một cách thánh thiêng và đúng nghĩa vào chính đền thờ của chúng ta hay không mà thôi?
Vậy thì Greccio nói gì với chúng ta hôm nay? Greccio ảnh hưởng ra sao trên cuộc sống của chúng ta, khi mà cuộc mừng lễ Giáng sinh cách mới mẻ ấy của thánh Phanxicô đã và đang trở nên “một biểu tượng mới”?
“Phóng vào tương lai để yêu thương”.
            Trong giới hạn của sự hiểu biết, người viết chỉ xin được phép ưu tư dựa trên điều mà Murray Bodo đã chia sẻ: “thánh Phanxicô ước muốn người ta nhìn thấy chính họ trong máng cỏ Chúa Giáng sinh”. “Chính tôi, chính chúng ta nhìn thấy chính mình khi chiêm ngắm” Máng cỏ Giáng sinh. Điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ biết “quy ngã và quy nhân”: tôi là tất cả (Thiên Chúa đã trở nên tất cả cho mọi người: Omnia Omnibus). “Hang đá Greccio cho thấy nhân tính của chúng ta quý giá biết dường nào. Chúng ta có thể vui mừng khi biết rằng Thiên Chúa đã làm người vì Người vui thích ở với nhân loại”[4]. Thật là táo bạo, khi chúng ta nhìn thấy sự “đồng cấp” của tôi và Một Thiên Chúa Cao Cả nhưng bé bỏng nằm trên Rơm Cỏ. Chiêm ngắm Máng Cỏ Greccio cũng là cơ hội để chính tôi chiêm ngắm máng cỏ của đời mình.
            Máng Cỏ tại Greccio là một Máng Cỏ trống không (nhưng không diễn tả việc vắng bóng Thiên Chúa), và đó là một sáng kiến của thánh Phanxicô. Như lời thánh Giáo phụ Grégoire (Naziance) đã nói: “Thiên Chúa làm người để con người được làm Thiên Chúa”. Bởi lẽ đó, ý tưởng nhìn thấy chính mình khi chiêm ngắm Máng Cỏ là ý tưởng đáng để lưu tâm. “Chúa làm người để người làm Chúa. Đây không phải là chuyện phạm thượng hay chuyện kiêu ngạo nhưng chuyện thật của những người đã một lần hoán cải biến đổi làm đảo lộn cuộc sống để có thể nói được: “Không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Đây là chuyện của những con người bị chiếm đoạt, bị nắm bắt (Pl 3,12); chuyện của những con người có lòng tin sâu xa, của các nhà thần bí, của những con người chiêm niệm thật sự. Đặc biệt khi ta rước Mình và Máu Đức Kitô thì Mình Máu Người tan chảy và luân lưu trong máu thịt của ta. Đến nỗi có ta thể nói được là Chúa trở nên ta, ta trở nên Chúa (hai trong một)”[5].
          Cũng chính bởi cảm thức ấy, thánh Phanxicô đã nhìn và nhận ra lời mời gọi rất mật thiết mà Thiên Chúa dành cho con người. Và thánh nhân, bằng tình yêu sâu đậm với Chúa Kitô, ngài cũng muốn ân sủng “Thiên Chúa làm người để con người được làm Thiên Chúa” được lan tỏa và lan tỏa một cách mạnh mẽ nhất đến với muôn người. Phần chúng ta, chúng ta có dám trở nên nhân vật chính trong Máng Cỏ mà ai ai cũng có thể nhìn thấy hay không? Nếu có, thì điều này đến từ sức mạnh nội tại như là sự gắn bó sâu sắc với Thiên Chúa mà thánh Phanxicô đã làm. Còn nếu không, thì tại sao?
           Việc nhìn thấy chính mình khi chiêm ngắm Máng Cỏ cũng vừa là lời mời gọi thanh luyện tâm hồn vì “thân xác chúng ta là Đền Thờ cho Chúa ngự” (x.1Cr 3, 16). Thiết nghĩ, mỗi lần chúng ta nhìn sâu vào lời xác tín này, hơn ai hết, Hài Nhi bé bỏng sẽ lại mỉm cười với chúng ta như chính Ngài đã mỉm cười với thánh Phanxicô tại Greccio.
Tạm kết: 
          Đong đầy trong những ưu tư khi đối diện với một thế giới thực hữu của lệ thuộc, hời hợt và phân tán[6], người viết bất chợt lại nhận thấy sự cần thiết của các chọn lựa ngang qua vẻ đẹp trong sự đơn sơ nơi cách sống của thánh Phanxicô. Không phải là lệ thuộc nhưng tín thác, không phải là hời hợt nhưng vô cùng sâu sắc và cũng không hề phân tán nhưng lại thực sự hiệp nhất (Hiệp Hành): đó là những gì chúng ta có thể nhận ra nơi Hang Đá tại Greccio. Thánh Phanxicô cho thấy sự chọn lựa và cách sống của ngài có đủ “lý và tình” để tạo nên một bầu khí ấm áp đúng nghĩa giữa biết bao “cơn giá rét” của một thế giới rất hiện đại hôm nay.
            Xin được mượn lại tâm tình của các Anh Chị Em xưa như là lời mời gọi cho Anh Chị Em trong thời đại chúng ta: hãy một lần nhập vai, và dù cho đã có nhập vai biết bao lần, thì hãy một lần nhập vai cho thật tròn trịa, để không chỉ là nhập vai nhưng sẽ biến nó thành sự chọn lựa trong cuộc đời của tôi. “Chẳng hạn, họ vào vai một mục đồng, hoặc là một trong Ba Vua, là Mẹ Maria hay thánh Giuse. Họ cố gắng hóa thân vào nhân vật ấy. Khi làm như thế, tâm hồn họ được tràn ngập những cảm xúc khiến họ tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa; khiến họ yêu thương Hài nhi, Đấng là Ngôi Lời đang hiện diện cách bé nhỏ và dang rộng vòng tay hướng về họ mà chào đón họ. Ân sủng của Thiên Chúa từ biến cố nguyên thủy ấy sẽ chan hòa trong khung cảnh do trí tưởng tượng họ dựng nên, và người anh em đang chìm trong chiêm niệm sẽ được ơn thúc đẩy để hành động, để biến đổi, thăng tiến cuộc sống, và để yêu mến Chúa cách trọn vẹn hơn”[7].
Fr. Phêrô Nguyễn Quốc Bảo, OFMConv.
 

[1]Hiện tại hóa khác với tái hiện. Tái hiện là thể hiện lại hiện thực một cách chân thật, bằng sáng tạo nghệ thuật (http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/T%C3%A1i_hi%E1%BB%87n). Còn hiện tại hóa: dùng cụm từ này thiên hướng về tâm lý, phản ánh một sự tăng tiến trong việc nhìn nhận một sự kiện đã xảy ra, có ý hướng phản tỉnh và phản tư, chứ không dừng lại ở việc chỉ trình bày lại điều đã xảy ra (Suy nghĩ cá nhân của người viết).
[2]MURRAY BODO, Thánh Phanxicô Và Ân Sủng Của Máng Cỏ Ở Greccio.
 
[3]MURRAY BODO, Thánh Phanxicô Và Ân Sủng Của Máng Cỏ Ở Greccio.
[4]MURRAY BODO, Thánh Phanxicô Và Ân Sủng Của Máng Cỏ Ở Greccio.
 
[5]http://daminhvn.net/suy-tu-nghien-cuu/chua-lam-nguoi---de-nguoi-lam-chua-6203.html.
[6]https://tgpsaigon.net/bai-viet/suy-tu-ve-su-diep-nhan-ngay-tg-ttxh-lan-thu-46-thinh-lang-de-truyen-thong-37011.
[7]MURRAY BODO, Thánh Phanxicô Và Ân Sủng Của Máng Cỏ Ở Greccio.