“Yagi” là cụm từ “hot” trong thời gian gần đây. Đó là tên của cơn bão mạnh nhất mà châu Á ghi nhận trong năm nay đồng thời là cơn bão mạnh thứ 2 thế giới tính tới hiện tại sau siêu bão Beryl và là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua.
Bão Yagi bắt nguồn là một cơn bão nhiệt đới ở phía tây Biển Philippines, đổ bộ vào Philippines rồi bắt đầu suy yếu. Tuy nhiên, do nước biển nóng bất thường ở Biển Đông nó mạnh lên thành bão cấp 3 rồi trở thành siêu bão[1].
Nhiều nước bị ảnh hưởng bởi cơn bão, trong đó có Việt Nam của chúng ta. Gió giật mạnh và mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ, đặc biệt ở khu vực miền núi phía Bắc và tiếp tục gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng.
Qua việc thăm hỏi người thân, đặc biệt là qua các phương tiện truyền thông, tôi biết được nhiều thông tin về tình hình bão lũ. Thiệt hại về người và tài sản là nhiều thật nhiều. Con số người thiệt mạng và mất tích khiến tôi bất ngờ và cảm thấy bùi ngùi thực sự.
Còn đâu nữa những ngôi nhà mà người ta tích góp để dựng xây? Còn đâu nữa tiếng nói, tiếng cười mộc mạc đượm tình yêu thương của những người dân làng Nủ nơi núi đồi Tây Bắc? Còn đâu nữa hỡi cây cầu Phong Châu thân thương gắn liền với kỉ niệm của bao người? Vì lẽ gì mà nhiều người đang trên cầu, khi chưa kịp đặt chân tới bên kia dòng sông đã qua ngay thế giới bên kia? Ôi thật buồn! Bao thứ đã bị gió thổi bay, bị nước cuốn đi xa thật xa, bị cát đất vùi lập và chỉ để lại những giọt nước mắt mà thôi.
Từ khắp nơi, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay ủng hộ, cứu trợ các nạn nhân của bão lũ. Nhiều đoàn xe cứ nối nhau hướng về phía Bắc với tinh thần sẻ chia. Tuy nhiên đây đó cũng có người này, người kia “lặn lội” tới gần các khu vực chịu thiệt hại để rồi lại “làm màu” để đánh bóng tên tuổi mình trước bàn dân thiên hạ là chính. Trên các nền tảng Facebook, Tiktok… nhiều clíp quay cảnh bão lũ. Phần nhiều có thể coi đó như việc cung cấp thông tin về tình hình thiên tai cho cộng đồng mạng biết. Nhưng cũng không ít Facebooker, Tiktoker đăng những điều ấy lên chỉ để câu view, câu like, kiếm tiền.
Vậy có nên chăng tìm cách làm cho mình nổi tiếng hay chủ động kiếm tiền trên nỗi đau của đồng loại không? Lẽ dĩ nhiên là ngoại trừ việc được người ta biết đến, việc có được hoa lợi tự nó là hệ quả tự có của việc muốn bày tỏ và muốn lan tỏa sự đồng cảm.
Khi mà bao giọt nước mắt đã rơi, bao giọt máu đã chảy vì thương tích. Vậy ta thế nào? Ta ở đâu khi anh chị em mình đau khổ? Liệu bạn có rơi nước mắt khi nghĩ về các nạn nhân, có thấy nhói đau trong lòng hay không? Nỗi đau cùng tiếng kêu của anh chị em đồng bào mình có chạm tới sâu thẳm trái tim ta hay chăng? Hay ta chỉ là dành quá nhiều thời gian để mà “quẹt, quẹt” hay “chạm, chạm” màn hình điện thoại và sống trong không gian ảo mà thôi?
Chắc hẳn hầu hết những người đã ra đi trong cơn bão lũ vừa qua, đã và đang nghe biết cách nào đó về con bão nhưng có lẽ không ai ngờ rằng số phận của mình lại gắn liền với lịch sử cơn bão qua việc ra đi mãi mãi. Tuy họ không còn trên trần thế với sự hiện diễn hữu hình với chúng ta nhưng ngang qua họ, thông điệp mời gọi ta vẫn mãi còn đó.
Khi xưa Cha Thánh Phanxicô Assisi được chính Chúa Kitô “chạm” tới và mang trên thân mình các thương tích của Người, trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Khi tràn ngập ơn nghĩa Chúa, hánh nhân đã đến với tha nhân, đã “chạm” vào nhiều người để “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15), để đồng cảm, chia sẻ với họ.
Trong cuộc sống, nhất là lúc này, khi mà dư âm của bão lũ vẫn còn, ta cần để Chúa – nguồn cội yêu thương – “chạm” vào. Nhưng trước khi “chạm” vào người khác, trước tiên, ta cần “chạm” vào chính cõi lòng mình, để thức tỉnh, để tự nhắc mình rằng thảm họa thiên nhiên phần nào là do ảnh hưởng của việc con người trong đó có chính ta không biết gìn giữ, bảo vệ môi trường gây ra biến đổi khí hậu[2]. Sau đó ta cần “chạm” cánh cửa tâm hồn để mở nó ra. Mở lòng ra để nghe được tiếng của Chúa hiện diện nơi tha nhân đang trong đớn đau, thất vọng, mất mát. Mở lòng ra để hành động, trao gửi tình yêu thương cho người khác cách vô vị lợi[3].
Nên nhớ rằng ta được mời gọi sống liên đới mật thiết với mọi người, được mời gọi “chạm” tới nỗi đau của tha nhân để góp phần chữa lành vết thương chứ không phải thực hiện những“cú chạm” như là để xát ớt, xát muối vào vết thương làm nó rỉ thêm máu; hay như là để ngắt đi đôi cánh của chú chuồn chuồn ớt khiến nó không thể bay mà bất động như quả ớt nằm bất động.
Mấy hôm nay, tôi và bạn còn được quây quần cách nào đó để mà thưởng thức mùi vị thơm ngon của những chiếc bánh Trung Thu. Nhưng nơi đó, nhiều em nhỏ không nhà, không cửa; nhiều em bị mất đi món quà vô giá là chính cha mẹ mình; thậm chí nhiều em không còn trên cõi đời này để mà ngắm trăng, để vui vẻ đùa vui bên chú Cuội, chị Hằng. Bạn thấy sao?
“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô[4].” Bạn biết điều đó chứ? Là Kitô hữu, nếu chúng ta không ở gần các nạn nhân, ngoài việc ra sức ủng hộ tiền tài, đồ đạc cho những vùng bị ảnh hưởng thì ta có thể làm gì được? Lời cầu nguyện cho các nạn nhân thì thật cần thiết đó bạn. Việc chay tịnh hay hi sinh nào đó dù nho nhỏ để cảm nhận được phần nào cái đói, cái rét, cái sự thiếu thốn của anh chị em mình thì cũng có giá trị đó nhé. Cùng với ơn Chúa, chính những lần như thế, trái tim ta trở nên “quả tim mới”, “quả tim bằng thịt” biết yêu thương (x. Ed 36, 26).
Bão lũ đã qua đi, tình người, tình yêu thương đùm bọc giữa người với người vẫn còn mãi. Không chỉ là cái tên của một cơn bão, Yagi còn là một lời mời gọi tới bạn, tôi và chúng ta…
Tác giả: Vj Vu