Đức Thánh cha kêu gọi trả tự do cho những người bị bắt cóc ở Colombia, chia buồn với các nạn nhân bị lụt ở Congo, đồng thời tái kêu gọi hòa bình cho những nước có chiến tranh.


Huấn từ của Đức Thánh cha

 

Trong huấn từ ngắn trước khi đọc kinh Truyền tin, Đức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng về lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa (Xc Mc 1,7-11).

Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa diễn ra tại sông Giordan, nơi Gioan Tẩy Giả thực hiện nghi thức thanh tẩy biểu lộ quyết tâm từ bỏ tội lỗi và hoán cải. Dân chúng đến chịu phép rửa “với lòng khiêm tốn và họ đi chân không”. Cả Chúa Giêsu cũng đến đó, khai mạc sứ vụ của Ngài: qua đó, Ngài tỏ ra muốn gần gũi những người tội lỗi, Ngài đến vì họ, vì chúng ta, vì tất cả chúng ta!

Và chính hôm ấy xảy ra một số sự kiện ngoại thường. Ông Gioan Tẩy Giả nói vài điều khác thường, công khai nhìn nhận nơi Chúa Giêsu, bề ngoài có vẻ giống như mọi người khác, nhưng là một “người mạnh hơn” (v.7), lý do vì Chúa Giêsu “sẽ rửa trong Thánh Linh” (v.8). Rồi các tầng trời mở ra, Chúa Thánh Linh ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình một chim bồ câu (Xc v.10), và từ trên cao có tiếng nói của Chúa Cha phán rằng: “Con là Con Ta, hôm nay Ta đã sinh ra con yêu quý: Ta hài lòng vì Con” (v.11).

Ý nghĩa phép rửa Chúa Giêsu chịu

Đức Thánh cha giải thích rằng: “Tất cả những điều đó, nếu một đàng, tỏ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng đàng khác, cũng nói với chúng ta rằng phép rửa chúng ta lãnh nhận biến chúng ta thành con Thiên Chúa. Thực vậy, phép rửa chúng ta nhận, không phải như phép rửa của Gioan, một cử chỉ tượng trưng, nhưng là một hồng ân thực sự về đời sống thần linh, vĩnh cửu, một biến cố ơn thánh hiệp thông với Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Linh, làm cho chúng ta được chìm ngập trong vòng tay vô biên của Chúa, thông truyền cho chúng ta sức mạnh tình thương cứu độ của Người.

Hiệu năng của bí tích Rửa tội

“Điều ấy xảy ra trong bí tích Rửa tội: Thiên Chúa đến trong chúng ta, thanh tẩy và chữa lành tâm hồn chúng ta khỏi tội lỗi, làm cho chúng ta trở thành người con mãi mãi của Chúa, thành dân và gia đình của Ngài, thừa hưởng Thiên Đàng (Xc Sách Giáo Lý Công Giáo, 1279). Thiên Chúa trở nên thân mật với chúng ta và không rời xa chúng ta. Vì thế, bí tích rửa tội là một hồng ân sự sống mới, là trở thành con cái được Thiên Chúa mãi mãi yêu thương trong Chúa Giêsu. Do đó, điều quan trọng là biết ngày rửa tội của mình và mừng kỷ niệm. Chúng ta hãy cố gắng tìm nhớ ngày rửa tội của chúng ta; và hôm nay chúng ta hãy cảm tạ Chúa, vì từ đó Chúa không những ở với chúng ta, nhưng còn ở trong chúng ta. Chúng ta cũng hãy cám ơn cha mẹ đã mang chúng ta đến nguồn mạch, cảm ơn vị đã cử hành bí tích Rửa tội, cha mẹ đỡ đầu, cộng đoàn trong đó chúng ta được đón nhận.

Nhớ đến và sống bí tích Rửa tội

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Chúng ta hãy tự hỏi: tôi có ý thức về hồng ân vô biên mà tôi mang trong người nhờ bí tích Rửa tội hay không? Trong cuộc sống, tôi có nhận ra ánh sáng sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng coi tôi như người con yêu dấu của Ngài hay không? và giờ đây, nhớ lại bí tích Rửa tội của chúng ta, chúng ta đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta hay không. Chúng ta có thể làm điều đó với dấu Thánh giá vẽ trên chúng ta, kỷ niệm ơn thánh của Thiên Chúa, Đấng yêu thương và muốn ở với chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau lập lại: Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”.

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Lạy Mẹ Maria, là Đền Thờ của Chúa Thánh Linh, xin giúp chúng con cử hành và đón nhận những kỳ công Chúa thực hiện trong chúng con”.

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi đọc kinh và ban phép lành cho các tín hữu, Đức Thánh cha nhắc đến một vài biến cố thời sự. Ngài chúc mừng các tín hữu Đông phương, Chính thống cũng như Công giáo mừng lễ Giáng sinh theo niên lịch Giuliano, vào ngày 07 tháng Giêng.

Đức Thánh cha kêu gọi trả tự do cho các con tin, những người bị bắt cóc ở Colombia, để giúp phần tạo bầu không khí thuận tiện cho sự hòa giải dân tộc. Ngài không quên chi buồn với các nạn nhân nạn lụt vì mưa lũ ở Cộng hòa dân chủ Congo, một số khu phố ở thủ đô Kinshasa bị thương tổn, hơn 300 người bị thiệt mạng, 300.000 gia cư thiệt hại, cùng với hàng ngàn trường học và hàng trăm trung tâm y tế bị ảnh hưởng, hư hại.

Rồi Đức Thánh cha mời gọi các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina, Palestine, Israel và các nước đang bị chiến tranh.

Sau cùng, Đức Thánh cha cầu chúc mọi người một Chùa nhật an lành, đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.


 

Tác giả: G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Nguồn tin: vietnamese.rvasia