Nhắc đến thánh Phanxicô Assisi người ta thường nhớ đến ngài như một vị thánh nghèo khổ, một con người yêu hòa bình, say mê Thiên Chúa, say mê con người và thiên nhiên. Nhưng có lẽ ít người biết đến ngài là một nhà truyền giáo với tinh thần truyền giáo rất đặc biệt.
Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 787 trên trời của Vị thánh nghèo, người viết xin sơ lược đôi dòng về tinh thần truyền giáo của ngài. Tinh thần này được kết tinh từ hành trình truyền giáo, những kinh nghiệm truyền giáo mà thánh Phanxicô đã thể nghiệm và viết lại trong Luật Dòng.
1. Thánh Phanxicô: nhà thừa sai 
Nhìn lại cuộc đời của thánh Phanxicô, chúng ta thấy ngài đã lên đường truyền giáo ở các vùng xa xôi ngoài nước Ý. Cuộc hành trình thứ nhất năm 1214, ngài đi Marốc, bị bệnh tại Tây ban nha và phải trở về Ý. Kế đến, theo tinh thần của Tổng Tu nghị Portioncula năm 1216, anh em Phan sinh mở rộng công cuộc truyền giáo ra khỏi nước Ý, thì năm 1219, Phanxicô cùng với một anh em lên đường sang Đông phương (Ai cập) để truyền giáo. Chúng ta biết rằng trong tư cách là Tổng phục vụ, người đứng đầu một hội dòng lớn, Phanxicô có quá nhiều việc phải làm, nhưng ao ước của ngài là ra đi đến với người Hồi giáo và cuối cùng đã thành thiện thực.
Bối cảnh Giáo hội lúc bấy giờ là cuộc Thập Tự Chinh lần thứ 5 mà tâm điểm là năm 1219, vị trí trọng điểm là thành phố Ai Cập và Damietta. Trong cuộc Thập Tư Chinh này, chính Đức Giáo Hoàng cỗ võ và đã có hàng ngàn người lính của Chúa cầm vũ khí chống lại người Hồi giáo. Trong số đó, một người đến với cuộc chiến bằng đôi tay không và với trái tim yêu thương của mình như là thứ vũ khí của Chúa Kitô. Người lính này chính là thánh Phanxicô Assisi. Với mục tiêu ban đầu là nhắm hoán cải Vua Hồi giáo và nếu có thể là đón nhận ơn tử đạo.
Thánh Phanxicô đã dùng con đường hòa bình và sự hiểu biết thông qua đối thoại với Malik al-Kamil, vị vua của Ai Cập. Tuy không hoán cải được vị Vua này, không đem được Vua và thần dân của ngài trở lại đạo, nhưng Phanxicô đã tạo được tình thân hữu với Vua (được xem là kẻ thù của người Công giáo thời bấy giờ). Vị Vua này đã có một lòng cảm phục thánh Phanxicô và có những tình cảm thân thiện với ngài. Biến kẻ thù thành bạn là một thành công của thánh Phanxicô trong hành trình truyền giáo ngoài nước Ý. Một người đương thời với thánh Phanxicô là Giám mục Jacques de Vitry đã nhận định về cuộc gặp gỡ này trong một lá thư năm 1220: "Vị bề trên tổng quyền của họ (thánh Phanxicô) đến với đạo quân của chúng ta, lòng cháy bỏng nhiệt tình vì đức tin, rồi không chút sợ hãi, ngài đi qua đoàn quân của kẻ thù. Và sau ít ngày rao giảng Lời Chúa cho quân Hồi Giáo, ngài không thu lượm được kết quả lớn nào. Tuy nhiên nhà vua Ai Cập đã bí mật xin ngài nhân danh ông, cầu xin Chúa soi sáng cho ông biết phải theo đạo nào làm đẹp lòng Chúa hơn".
Hành trình truyền giáo này đã để lại dấu ấn trong cuộc đời và kinh nghiệm về sứ vụ sau đó của thánh Phanxicô, đặc biệt không lâu sau ngài đã đưa tinh thần đó vào trong luật Dòng, để hướng dẫn các anh em Phan sinh trong sứ vụ truyền giáo.
 
 
2. Tinh thần truyền giáo của Vị thánh nghèo 
Ngay từ năm 1221, bản Luật Dòng không có sắc chỉ ra đời, trong đó thánh Phanxicô đã dành một chương để hướng dẫn việc truyền giáo. Đến năm 1223 thì bản luật này được rút gọn lại và đã trở thành bản luật chính thức do Đức Giáo Hoàng Hônôriô III châu phê. Theo các nhà nghiên cứu thì Luật Dòng Anh em Hèn mọn là luật dòng đầu tiên trong Giáo hội có một chương nói về truyền giáo. Cho tới ngày nay, sau 8 thế kỷ, tinh thần truyền giáo của thánh Phanxicô đã thực sự trở thành mô mẫu cho các nhà thừa sai trên các ngã đường thế giới. Nhà thừa sai là người mang quà tặng Phúc Âm đến với muôn dân, hiện diện và chia sẻ đời sống với họ, khi thời gian thuận tiện (đã hiểu và tin nhau đủ) thì bắt đầu rao giảng Lời của Chúa cho họ, hầu nhắm tới cùng đích cuối cùng của truyền giáo là Tin Mừng Phục sinh được vang vọng và sinh hoa kết quả.
·         Nhà truyền giáo: người được sai đi 
Giáo hội vẫn luôn thực hành lời dạy của Chúa Kitô: “Như Chúa Cha đã sai Thầy,thì Thầy cũng sai anh em(Ga 20,22). Truyền giáo theo nghĩa sát nhất vẫn là đến với muôn dân“ad gentes”, và các nhà thừa sai cần được sai đi. Thử hỏi nếu các tông đồ đầu tiên đã không vượt ra khỏi biên giới Israel, hay các nhà thừa sai từ Châu Âu thế kỷ XII-XX, không rời bỏ quê hương để đến với các Châu lục xa xăm, thì liệu, ngày nay đạo Chúa có thể hiện diện được khắp Năm Châu hay không?
Thật vậy, các nhà thừa sai cần phải ra khỏi môi trường sống của mình, chấp nhận những rủi ro và bấp bênh, để đến với những anh em khác, ở những nơi mà hạt giống Tin Mừng đã được Chúa Thánh Thần “gieo" trong các nền văn hóa và trong lòng con người. Việc được sai đi như là dấu chỉ của tình yêu và sự chúc lành của vị bề trên, người thay mặt Thiên Chúa, để các nhà thừa sai đi làm nhiệm chăm sóc cho các hạt giống Tin Mừng, làm cho chúng nảy mầm và lớn lên sinh hoa kết quả. Hiện nay, trong Giáo hội vẫn có thói quen tốt là có nghi thức sai đi cho các nhà thừa sai trong ngày họ đi làm sứ vụ truyền giáo.
Với thánh Phanxicô từ kinh nghiệm đến với người Hồi giáo, ngài đã ý thức rất rõ về việc sai đi: “Ai trong anh em được Chúa soi sáng, muốn đến với người Hồi giáo và những dân ngoại khác, hãy xin phép anh Tỉnh phục vụ của mình. Phần các anh Phục vụ chỉ cho phép những ai các anh thấy là có khả năng” (Luật Dòng 12, 1-2). Còn trong Luật không sắc chỉ, ngài khuyên anh em phải thận trọng và khôn ngoan khi được sai đi: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sóiVậy anh em phải khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim câu" (Mt 10,16).
Theo Phanxicô, việc sai các anh em đi truyền giáo là một bước đầu rất quan trọng, định hướng cho một sứ vụ tương lai. Đó cũng là ánh sáng giúp cho người được sai đi có thể đón nhận những khác biệt, những khó khăn và thậm chí cả những đe dọa về tính mạng, khi đến với anh chị em khác quê hương xứ sở, hầu có một sự hiện diện bằng đời sống chứng tá.
·         Hiện diện bằng đời sống chứng tá
Đúng như lời dạy của Chân phước Gioan Phaolô II: “Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là các thầy dạy. Tin vào kinh nghiệm hơn là đạo lý, tin vào đời sống và các sự kiện hơn là các lý thuyết. Hình thức đầu tiên của việc truyền giáo là chứng tá đời sống Kitô hữu; hình thức này là điều không thể thay thế được” (TĐ Sứ vụ Đấng Cứu Độ”, số 42). Đời sống chứng tá là một dấu chỉ để những người khác văn hóa, khác tôn gíao có thể đón nhận một nhà thừa sai, và tiếp đến là đón nhận Lời Chúa.
Có một người anh em Phan Sinh truyền gíao ở Myanma chia sẻ một kinh nghiệm rất quý: Người dân Myanma nói với các thừa sai công giáo rằng: “Ông thấy đó, các vị sư của chúng tôi thánh thiện hơn các Linh mục của các ông. Các nhà sư ăn chay trường, đi chân đất, cầu nguyện lâu giờ, còn các linh mục của các ông thì ăn uống như ai, đi xe hơi, có tiền nhiều…”. Như thế, người dân ở đây đang chờ đợi một một lối sống chứng tá thánh thiện của các nhà thừa sai, hơn là những lời giảng thuyết về giáo thuyết. Thánh Phanxicô cũng đã nhấn mạnh đến lời giảng bằng việc làm và gương sống như thế: “Mọi anh em phải giảng dạy bằng việc làm.” (Luật không sắc chỉ, 17,3)
Thánh Phanxicô cũng khuyên anh em ngài về một lối không hiền hòa trong sứ vụ truyền giáo: “Tôi khuyên bảo, lưu ý và khuyến khích anh em trong Chúa Kitô, khi anh em đi ra giữa đời, thì đừng gây sự và cãi cọ, đừng xét đoán ai, nhưng hãy tỏ ra dịu dàng, hiền hòa và từ tốn, khả ái và khiêm nhừng, nói năng tử tế với hết mọi người sao cho thích hợp”(Luật Dòng 3, 10-11). Hẳn thánh Phanxicô đã lường trước những khó khăn khi phải sống với người khác nơi môi trường khác, nên đã soi sáng cho anh em như thế. Thực tế, sống hài hòa, trở thành bạn với những người khác với mình về ngôn ngữ, phong tục, văn hóa không phải là một điều dễ dàng, nhưng đó là bước đầu giúp các nhà thừa sai hội nhập và hiểu được tâm tư tình cảm của người dân bản địa. Một sự thánh thiện và siêu thoát trong lối sống cũng dễ đánh động người ta hơn.
Thánh Phanxicô trong tám thế kỷ trước cũng đã lưu ý anh em về đời sống chứng tá này: “Khi anh ra giữa đời thì đừng mang gì, đi đường đừng mang túi tiền, đừng mang bao bị, lương thực, tiền bạc. Khi vào nhà nào trước hết hãy chúc “Chúc nhà này được bình an(x. Luật không sắc chỉ, 17, 1-2). Một lối sống hiền hòa, nghèo khó theo tinh thần của Tin Mừng mà thánh Phanxicô trích dẫn sẽ giúp cho người khác dễ đón nhận các nhà thừa sai. Chúng tôi vẫn thường được nghe người dân ở những bản làng xa xôi ở Lào, kể về gương sống của các nhà thừa sai Pháp, những người đã đến giữa họ, chia sẻ cuộc sống và giảng đạo cho họ. Tuy thời gian đã lâu lắm rồi nhưng hình ảnh của những nhà thừa sai này vẫn còn hiện diện trong trái tim của những người anh chị em dân tộc nơi đây.
Truyền giáo có thể nói là một cuộc gặp gỡ bằng đời sống chứng tá, giúp những người khác văn hóa và tôi giáo hiểu nhau, tôn trọng nhau và trở thành bạn với nhau, để từ đó chúng ta có thể tiến tới việc chia sẻ kinh nghiệm đức tin cho nhau.
·         Chia sẻ kinh nghiệm đức tin 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong “Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế giới Truyền giáo 2013”, đã mời gọi chúng ta chia sẻ quà tặng đức tin, ngài nói: “Đức tin là một quà tặng, không dành riêng cho một số ít người, nhưng được ban tặng cách quảng đại. Mọi người đều có thể kinh nghiệm về niềm vui được Thiên Chúa yêu thương, về niềm vui của ơn cứu độ! Đó là một ân huệ mà ta không thể giữ lại cho mình, nhưng cần được chia sẻ” (Số 1). Niềm tin là kinh nghiệm cá nhân và là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Chia sẻ với người khác kinh nghiệm đức tin của mình sẽ dễ lôi cuốn họ hơn là giảng dạy. Kinh nghiệm về Thiên Chúa của tôi sẽ giúp cho người khác suy nghĩ về kinh nghiệm tôn giáo của họ, và cho họ có cơ hội tiếp cận với khuôn mặt của Đức Kitô. Nhà truyền giáo không phải là người mang cái khuôn để đúc đức tin cho người khác, nhưng là người “trung gian” làm cho người khác trở thành môn đệ của Đức Kitô. Họ là những công cụ, những nhịp cầu để người khác tìm đến với Đức Kitô.
Thánh Phanxicô đã thấm nhuần lời mời gọi của Tin Mừng và đã thực hiện điều đó trong cuộc sống của ngài và nhất là trong khi gặp Vua Hồi Giáo từ tiền bán thế kỷ XIII. Cha Phanxicô Michael Cusato, giám đốc Học Viện Phanxicô tại Đại học St Bonaventure, New York đã nhận định rất hay về tinh thần này của thánh Phanxicô: "Ngài đã tiếp cận tất cả mọi người, bắt đầu với người bị bệnh phong, như anh em của mình. Chúng ta biết ngài (Phanxicô) không xúc phạm nhà Vua Hồi giáo hay tôn giáo của họ, nhưng đã nói về lý do tại sao mình là một Kitô hữu và tại sao mọi người cần tìm kiếm Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng Phanxicô đã không xúc phạm nhà vua, vì nếu có thì ngài đã không thể đi ra khỏi đó mà còn sống”.
Chia sẻ niềm tin bằng con đường đối thoại là một lối đi khiêm tốn, nhưng dễ đi sâu vào trong trái tim của các anh chị em không cùng tôn giáo. Chính thánh Phanxicô cũng đã dạy anh em phan sinh rằng, sau thời gian hiện diện bằng đời sống chứng tá thì cần phải dùng lời nói để làm chứng cho Chúa: “Khi thấy đẹp lòng Chúa, anh em hãy loan báo Lời Chúa, để họ tin vào Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” …“Anh em có thể nói cho họ và cho mọi người các điều trên và các điều khác đẹp lòng Chúa, vì Chúa nói trong Tin Mừng : "Phàm ai tuyên xưng Ta trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ tuyên xưng họ trước mặt Cha Ta, Đấng ngự trên trời" (Mt 10,32).  "Ai xấu hổ vì Ta và những lời Ta dạy, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong ánh vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thiên thần" (x. Lc 9,26). (x. Luật không có sắc chỉ, 16,7-9)
            Khi nhận thấy mọi sự đã chín muồi, nhà thừa sai thực hiện công việc chia sẻ niềm tin của mình cho anh chị em nơi mình được gởi đến. Đây là một kinh nghiệm thật đáng quý, là bài học cho các thừa sai ngày hôm nay, khi họ đang sống trong một thế giới đa tôn giáo, đa văn hóa. Làm sao để chúng ta có thể giới thiệu Chúa Giêsu cho các anh chị em khác niềm tin với chúng ta? Sự cam đảm có lẽ là nhân đức mà nhà thừa sai phải dùng đến trong sứ vụ truyền giáo của mình. Đây là cái nhìn đức tin của thánh Phanxicô về sứ mạng truyền giáo qua “hành vi tử đạo”.
 
·         Chịu tử đạo
Sau khi đã đưa ra những phương pháp và cách thức truyền giáo, thánh Phanxicô đưa ra một tiêu chuẩn của đức tin cho các nhà thừa sai đó là tử đạo. Thời thánh Phanxicô ngài luôn ao ước được phúc tử đạo, nên ta dễ dàng hiểu tử đạo theo ngài là đổ máu vì Đức Kitô như các Tông đồ. Thế nhưng với anh em phan sinh, ngài còn giúp anh em hiểu tử đạo theo nghĩa là chịu bách hại, bị thiệt thòi… Thánh Phanxicô đã trích rất nhiều những lời dạy của Chúa Giêsu trong Tin Mừng để soi sáng cho anh em khi họ ra đi thực hiện sứ vụ truyền giáo: “Tất cả anh em, dù ở đâu, hãy nhớ rằng : mình đã tự hiến và phó dâng thân mình cho Chúa Giêsu Kitô. Vì lòng mến Chúa, anh em phải chấp nhận các địch thù, hữu hình cũng như vô hình, vì Chúa nói: "Ai liều mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ cứu được mạng sống ấy cho cuộc sống vĩnh cửu (x. Lc 9,24; Mt 25,46). "Phúc thay ai bị ngược đãi vì chính đạo, vì họ sẽ được vào Nước Trời" (Mt 5,10). "Nếu họ đã ngược đãi Ta, họ cũng sẽ ngược đãi anh em" (Ga 15,20). Khi người ta "bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác" (Mt 10,23). "Anh em thật có phúc (Mt 5,11), khi thiên hạ ghét bỏ (Lc 6,22), nhục mạ (Mt 5,11), ngược đãi anh em, khai trừ, nguyền rủa và xóa bỏ tên tuổi anh em như đồ phế thải (Lc 6,22) và khi bị người ta nhục mạ và vu khống đủ điều xấu xa vì Ta" (Mt 5,11). "Ngày đó, anh em hãy vui mừng hân hoan (Lc 6,23), vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao" (x. Mt 5,12). "Ta nói thật cho anh em là bạn hữu của Ta: đừng kinh khiếp những điều ấy (x. Lc 12,4), và đừng sợ hãi những kẻ chỉ giết được thân xác (Mt 10,28) nhưng rồi không làm gì được nữa" (Lc 12,4). Hãy biết thế, và đừng nao núng (Mt 24,6). "Có kiên nhẫn chịu đựng, anh em mới giữ được mạng sống mình" (Lc 21,19). "Và kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ" (Mt 10,22; 24,13). (Luật Không sắc chỉ 16,10-20).
Thực vậy, tinh thần của Phúc Âm mà thánh Phanxicô nêu ra để giúp các nhà thừa sai có được ý chí để vượt qua những khó khăn như là một sự “tử đạo” liên lỉ trong hành trình sứ vụ. Các nhà thừa sai khi rời bỏ quê hương xứ sở của mình để đến một cánh đồng mới sẽ đối diện với nhiều bất trắc về cả chủ quan và khác quan, chẳng hạn như: ngôn ngữ, văn hóa, lối sống, bệnh tật, chính quyền, giáo quyền …Vượt qua những “rào cản” này không phải là một việc làm dễ dàng và mau lẽ, nhưng là một tiến trình lâu dài và rất khó khăn. Lời dạy của Thánh Phanxicô vì thế vẫn “ứng nghiệm” cho các nhà thừa sai hôm nay. Cùng đích của các nhà thừa sai vẫn là hành vi “tử đạo”, để những giọt mồ hôi, nước mắt, máu của họ có thể làm nẩy sinh những Kitô hữu mới như Giáo phụ Tertuliano đã dạy: “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”.
3. Kết luận
Tinh thần truyền giáo của thánh Phanxicô được thể hiện qua kinh nghiệm thực tế của ngài, rồi được cụ thể hóa qua Luật dòng và nhất là bằng đời sống chứng tá của ngài. Đây là một tinh thần truyền giáo mang phương châm “nhập thế” bằng đời sống chứng tá. Hạt ngọc tinh thần truyền giáo của Vị thánh nghèo là một tiến trình hiện diện, thể nghiệm đời sống, khám phá, học hỏi và chia sẻ niềm tin Kitô giáo cho anh chị em tại các cánh đồng truyền giáo.
Khi khoác lên vai sứ vụ truyền giáo theo tinh thần của thánh Phanxicô, nhà thừa sai phải vui vẻ đón nhận gian nan, sự bách hại và cả những sự nghiệt ngã có thể phải trả giá bằng tính mạng. Nhờ thế, họ mới có thể trở thành phương tiện, khí cụ bình an của Chúa, để bắc một nhịp cầu nối đôi bờ xa cách - khơi lên một nguồn mạch nơi sa mạc hoang vu - thắp lên một ánh nến trong đêm âm u, hầu giúp mọi người gặp gỡ Đức Kitô, đích điểm của sứ vụ truyền giáo.
Quang Huyền, Ofm