Trách nhiệm đạo đức của ngành tài chính
Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha đã suy tư về trách nhiệm đạo đức của tài chính và tác động của nó đối với xã hội, nhấn mạnh tiềm năng của nó trong việc thúc đẩy sự hòa nhập và tính bền vững, đồng thời cảnh báo về việc nó tách biệt khỏi nhu cầu của con người.
Dựa trên các ví dụ lịch sử, ngài nhấn mạnh cách Giáo hội từ lâu đã đóng góp vào các sáng kiến ngân hàng có ý thức xã hội, ví dụ như Monti di Pietà được thành lập tại Ý vào thế kỷ 15 để cung cấp tín dụng cho những người không đủ khả năng chi trả, và các hệ thống tín dụng hợp tác được tạo ra vào cuối thế kỷ 19 lấy cảm hứng từ Thông điệp xã hội “Rerum Novarum” của Đức Giáo hoàng Lêô XIII. Ngài lưu ý rằng mục đích của các sáng kiến này “luôn là tạo cơ hội cho những người không có cơ hội”, cho thấy rằng tài chính có thể giúp ích cho phúc lợi xã hội.
Tình trạng đầu cơ tài chính coi trọng lợi nhuận hơn con người
Một lần nữa, Đức Thánh Cha cảnh báo về tình trạng đầu cơ tài chính coi trọng lợi nhuận hơn con người, dẫn đến bóc lột và bất bình đẳng xã hội. Ngài nói: “Khi tài chính chà đạp lên con người, thúc đẩy bất bình đẳng và xa rời cuộc sống của các vùng lãnh thổ, thì nó phản bội mục đích của nó” và “trở thành nền kinh tế thiếu văn minh”.
Ngài nêu lên các công ty đa quốc gia chuyển đến những nơi để khai thác lao động giá rẻ, các hoạt động cho vay nặng lãi có lợi cho những người đã được hưởng đặc quyền và bỏ bê những người đang gặp khó khăn, và một số hệ thống tài chính tập hợp tiền ở một nơi để đầu tư ở nơi khác với mục đích duy nhất là tăng lợi nhuận của họ. Ngài cảnh báo rằng sự mất kết nối này khiến các nhóm dễ bị tổn thương cảm thấy bị bóc lột và bỏ rơi.
Cần tránh các khoản đầu tư mang tính đầu cơ và phá hoại
Đức Thánh Cha ca ngợi các tổ chức Ý hiện diện trong buổi tiếp kiến vì đã thể hiện cách tiếp cận nhân đạo hơn đối với hoạt động ngân hàng. Khi mô tả tài chính là “hệ thống tuần hoàn của nền kinh tế”, ngài nhấn mạnh rằng “nếu không có các hệ thống tài chính đầy đủ có khả năng bao trùm và thúc đẩy tính bền vững, thì sự phát triển toàn diện của con người sẽ không thể thực hiện được”. Do đó, các ngân hàng cần tránh các khoản đầu tư mang tính đầu cơ và phá hoại như những khoản đầu tư gây hại cho môi trường và thúc đẩy chiến tranh.
Tha nợ để phục hồi hy vọng
Hướng đến Năm Thánh Hy vọng sắp tới, Đức Thánh Cha nhắc lại lời kêu gọi của ngài về việc xoá nợ. Ngài nói rằng “Đây là điều kiện để tạo ra hy vọng và tương lai trong cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là người nghèo”.
Kết thúc bài diễn văn, Đức Thánh Cha dùng lời của Cha Primo Mazzolari để khuyến khích các ngân hàng duy trì công bằng xã hội, nhắc lại rằng họ có “trách nhiệm lớn lao trong việc khuyến khích logic bao gồm và hỗ trợ nền kinh tế hòa bình”.
Nguồn: Vaticannews.va